ClockThứ Hai, 15/07/2019 06:00

Lãi thật từ nuôi xen ghép

TTH - Diện tích nuôi xen ghép năm 2018 lên đến 2.352 ha, chiếm 98,5% diện tích nuôi nước lợ là “câu trả lời” về hiệu quả của hướng nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững ở vùng đầm phá Phú Vang.

Ngư dân thị trấn Phú Đa chăm sóc hồ nuôi thủy sản xen ghép

Từ nuôi chuyên tôm sang xen ghép

Hộ ông Trần Dãy (tổ dân phố Lương Viện, thị trấn Phú Đa) vừa thu hoạch 1,6 tấn cá dìa, thu về hơn 200 triệu đồng. Ông Dãy cho hay, trong 2 hồ của ông hiện còn tôm, cua và chuẩn bị thả lại cá.

“Trước đây, gia đình tôi nuôi chuyên tôm. Được mùa thì giá trị rất cao, nhưng vụ nào tôm bị dịch bệnh chết, coi như mất trắng. Nuôi xen ghép, dù giá trị không cao bằng chuyên tôm, nhưng ổn định. Tôm, cua, cá phân bổ đều ở cả 3 tầng nước, hỗ trợ cho nhau trong nguồn thức ăn, bảo vệ môi trường. Thức ăn thừa hoặc chất thải của đối tượng này là thức ăn của đối tượng kia. Đề kháng của từng đối tượng nuôi khác nhau nên giả sử có thiệt hại về tôm thì vẫn còn cá, cua bù lại...”, ông Dãy phân tích.

Hộ ông Trần Văn Toàn (tổ dân phố Lương Viện, thị trấn Phú Đa) cũng chuyển sang nuôi xen ghép các loại cá dìa, kình, nâu, tôm, cua trên toàn bộ diện tích 1,5 ha. Phương pháp “thu tỉa thả bù” mang lại thu hoạch ổn định quanh năm. Ông Toàn bỏ ra hơn 100 triệu đồng, đầu tư đường dây điện 1,2 km để phục vụ sản xuất theo hướng bền vững, thay vì trước đây dùng máy nổ vừa chi phí cao, vừa gây loang xăng dầu, ô nhiễm môi trường.

Gia đình ông Phan Hữu Hùng (thôn Triều Thủy, xã Phú An) với diện tích 2 ha, sau khi chuyển sang nuôi xen ghép, đã không còn nơm nớp nỗi lo mất mùa. Có thể hiệu quả từng vụ không cao như nuôi chuyên tôm, nhưng đảm bảo tính bền vững. Ông Hùng thả xen các loại tôm sú, tôm đất, cua, cá dìa, kình chia làm nhiều đợt.

Vừa qua, ông chi 15 triệu đồng thả 10 vạn tôm giống; hơn 11 triệu đồng thả cá dìa, cá kình, cua. Đảm bảo nguồn thực phẩm thường xuyên cho gia đình, 2 ha nuôi xen ghép thu về khoản tiền lãi dao động từ 100- 140 triệu đồng mỗi năm.

Ông Ngô Văn Khuyến, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Phú Vang cho biết, nhiều xã, thị trấn có diện tích NTTS nước lợ lớn như Phú An, Phú Xuân… 100% nuôi xen ghép. Diện tích nuôi xen ghép năm 2018 lên đến 2.352 ha, chiếm 98,5% diện tích nuôi nước lợ.

Đa dạng đối tượng nuôi 

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, phát triển NTTS theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, UBND huyện tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch NTTS đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Phòng NN&PTNT phối hợp các phòng ban của huyện và các xã, thị trấn trình diễn các mô hình, tập huấn các quy trình kỹ thuật…, giúp ngư dân thay đổi nhận thức, tập trung thực hiện đa dạng đối tượng nuôi theo quy hoạch, chuyển đổi diện tích nuôi chuyên tôm thường xảy ra dịch bệnh, kém hiệu quả sang nuôi xen ghép tôm với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá dìa, cá kình, cá đối mục…, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh...

Cùng với chuyển đổi, ngư dân các xã, thị trấn như Phú An, Thuận An, Phú Diên, Phú Xuân… kết hợp nuôi cá dìa với trồng rau câu. Quá trình phát triển, rau câu góp phần cải thiện môi trường, tạo ô xy và nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào.

Chất lượng cá dìa theo cách nuôi sinh thái này ngon hơn, mang lại giá trị kinh tế cao. Tận dụng mặt nước, kết hợp nuôi trồng với phát triển dịch vụ nhà hàng trên đầm phá, giới thiệu các sản phẩm thủy sản nuôi trồng tại địa phương, từng bước hình thành các tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm trên đầm phá.

Theo ông Đoàn Thao, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Vang, sau khi có nghị quyết của Huyện ủy, một trong những biện pháp góp phần phát triển NTTS bền vững, được tập huấn lồng ghép với các mô hình trình diễn, các kỹ năng tiếp cận, đưa sản phẩm đến với thị trường đạt hiệu quả cao. Đó là hình thành các đầu mối thu mua là người địa phương, trang bị xe lạnh, kỹ thuật tạo ô xy đảm bảo cá tươi, sống khi đưa ra thị trường ngoài huyện, ngoài tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm...

Thực hiện chủ trương của huyện, các địa phương phối kết hợp với Điện lực Phú Vang triển khai thực hiện quy hoạch lưới điện phục vụ NTTS ở các vùng tập trung, đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả, bền vững; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh- Lê Hiền   

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Return to top