ClockThứ Năm, 14/12/2023 11:28

“Liều thuốc” chống đầu cơ và lãng phí đất đai

TTH - Mới đây, nhiều điểm mới trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã siết chặt quy định về các dự án phân lô, bán nền. Đây chính là “liều thuốc” mạnh chống việc đầu cơ, thổi giá, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản (BĐS).

Tránh tình trạng lợi dụng chuyển nhượng dự án bất động sản Bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn tiềm ẩn nguy cơ làm lũng đoạn thị trường

 Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng khâu GPMB vì khâu định giá đất bồi thường chưa hợp lý

"Làm lành" thị trường đất đai

Những ai quan tâm đến đất đai thì khá rõ, 2-3 năm về trước chuyện mua bán trong lĩnh vực này “nóng sốt” một cách kỳ lạ. Nhiều người giàu lên từ đất không chỉ là những nhà kinh doanh BĐS chuyên nghiệp mà còn kéo đội quân “cò mồi”, môi giới ăn theo các dự án BĐS và những “cơn sốt” của thị trường nhà đất.

Có người đã nói đùa nhưng rất thật, thời điểm ấy ra ngõ gặp “cò đất”. Chẳng giấu diếm, thời điểm đó tôi có một người thân vừa làm giáo viên lại kiêm thêm “cò đất” chỉ hơn một năm mà “tậu” được  ô tô và ngôi nhà mới bề thế ở TP. Huế.

Trong bối cảnh thị trường BĐS “đóng băng” gần đây, thi thoảng tôi thường nhận những cuộc điện từ anh này chia sẻ chuyện trò nhưng luôn giọng buồn. Cách đây mấy hôm anh chia sẻ vừa bán ô tô và tháng nào cũng sốt ruột với “chị ngân”, rồi trao đổi thông tin khi Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, chỉ những người có chứng chỉ hành nghề kinh doanh BĐS hoạt động trong một công ty chuyên nghiệp được cấp phép, mới được tham gia môi giới bất động sản (các Điều 60 và 61)… Ở mục này, tôi nghĩ đến “nghề tay trái” của anh và những đội quân “cò mồi”, vốn là những công chức, viên chức, nông dân, người chạy xe ôm… “kiêm” môi giới BĐS hoặc đầu cơ “lướt sóng” làm nhiễu loạn thị trường đất đai sẽ không còn.

Điểm mới hơn, Luật Kinh doanh bất động sản lần này nêu rõ: “Không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất (tại dự án đầu tư Kinh doanh BĐS) cho cá nhân tự xây dựng nhà ở trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III”. Đây là điểm chốt quan trọng, có tính quyết định hơn trong việc chữa trị những “ung nhọt” của các dự án đầu tư BĐS, là quy định siết chặt phân lô, bán nền.

GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng chia sẻ vào những dịp hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước đây, ông đều “lưu ý” đến  cụm từ “phân lô bán nền”. Theo GS. Đặng Hùng Võ, năm 2004 khi bản dự thảo cuối cùng về Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trình lên Chính phủ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó, đã viết tay ngay đầu bản dự thảo cụm từ “cấm phân lô bán nền”. Đến năm 2007, khi nhiều địa phương đề xuất nới rộng quy định để tạo điều kiện cho kiện phát triển đô thị, Chính phủ ban hành Nghị định 84 với những quy định thông thoáng hơn. Đến Luật Đất đai 2013, cơ chế quản lý đầu tư các dự án kinh doanh đất nền mới thật sự thoáng như thời gian qua.

Ngẫm lại như vậy đã phải mất 20 năm, công tác quản lý nhà nước về đất đai, cụ thể ở đây là lĩnh vực kinh doanh đất nền thường được gọi với cụm từ rất mỹ miều là “phát triển đô thị”, mới… đã quay về với quy định cũ, tại Luật Đất đai 2003. Một chính sách đúng đắn rất cần thiết, cấp bách hiện nay.

Kỳ vọng mới

Không riêng Thừa Thiên Huế chịu thiệt hại nặng về nhiều mặt do sự “thông thoáng” của Luật Đất đai 2013 và các nghị định hướng dẫn thi hành luật (Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi số 148/2020/NĐ-CP).

Trong thời gian dài, nhiều dự án kinh doanh BĐS gần như được tự do bung ra khắp nơi. Theo đó hàng loạt khu “đô thị” đầu tư hạ tầng nham nhở, manh mún; nguồn lực xã hội thay vì đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, đua nhau chảy vào BĐS; khá nhiều người dân nông thôn mất đất sản xuất, mất việc làm, thu nhập bấp bênh, trong khi các khu dân cư đô thị hoang hóa hàng chục năm; Nhà nước cũng không thu được bao nhiêu tiền từ đất; khiếu nại, khiếu kiện xảy ra nhiều nơi...

Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo rà soát, tập trung xử lý hậu quả của những dự án BĐS được cấp phép; dù rất nỗ lực, kiên quyết, nhưng vẫn còn khá nhiều vấn đề phức tạp, chưa có lối ra. Trong khi đó nơi này, nơi kia vẫn xuất hiện “dự án” phân lô, bán nền hình thành các tiểu đô thị tự phát.

Tôi đã từng chứng kiến những đám ruộng to, mảnh vườn lớn ở các vùng quê huyện Phú Vang, Phú Lộc… một thời đã dưỡng nuôi bao thế hệ nhưng khi thời điểm “đất sốt”, các đội quân “cò mồi” đến săn lùng rồi “xẻ - chia” trong vài chục phút khi đã biết mảnh đất, mảnh vườn đó có giấy quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Hiện nay không biết số phận của những mảnh ruộng, mảnh vườn ấy có chủ đích thực chưa mà chỉ thấy hoang hóa, cỏ mọc um tùm…

Quy định của Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), có hiệu lực từ đầu năm 2025, cùng với Luật Nhà ở sửa đổi (vừa được thông qua) và dự án Luật Đất đai mới (sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất, dự kiến vào tháng 1/2024), theo các quan điểm, định hướng của Đảng tại Nghị quyết Trung ương số 18 (khóa XIII), kỳ vọng sẽ bịt kín những lỗ hổng của thị trường BĐS, nhất là thị trường đất nền (cụ thể như chủ trương đánh thuế cao đối với đất bỏ hoang; áp thuế lũy tiến với người nhiều nhà, nhiều đất nhưng không sử dụng).

Chặn đứng kinh doanh BĐS không lành mạnh và tư duy làm giàu từ những kẽ hở của pháp luật về quản lý đầu tư BĐS; cũng đồng nghĩa với việc tạo nguồn lực lớn của xã hội sẽ được đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, gia tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Đó cũng là cơ hội cho rất nhiều hộ nghèo, công nhân, viên chức thu nhập thấp có được chỗ để an cư…

Bài, ảnh: MINH VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, cập nhật Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022.

Sớm hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản
Bàn chuyện đánh thuế 
người có nhiều nhà

Bộ Tài chính khẳng định đang nghiên cứu đánh thuế người có nhà thứ hai trở lên. Chuyên gia đề nghị nên tập trung đánh thuế nhà ở đô thị để chống đầu cơ...

Bàn chuyện đánh thuế 
người có nhiều nhà
Năm 2016: Tháo gỡ vướng mắc, không để lãng phí đất đai

Trong năm qua, công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực “nóng” như đất đai, môi trường và khoáng sản đã dần được siết chặt, qua đó phát huy nguồn lực lớn cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường vẫn thẳng thắn cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Năm 2016 Tháo gỡ vướng mắc, không để lãng phí đất đai

TIN MỚI

Return to top