Nội dung này được đưa ra tại hội thảo “Đặc khu-thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 18/5, tại Hà Nội.
Hội thảo "Đặc khu-thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công.
Mô hình Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (còn gọi là Đặc khu kinh tế) có quá trình phát triển lâu dài trên thế giới. Phát triển mô hình này sẽ thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp nhận tri thức, công nghệ mới, phương thức quản lý hiện đại, thúc đẩy trao đổi thương mại, hội nhập với quốc tế...
Hiện nước ta đang xây dựng mô hình đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Việc phát triển 3 đặc khu kinh tế này thể hiện sự nhất quán, quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với việc xây dựng sân chơi mới, luật chơi mới, với thể chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo nhiều các nhà đầu tư, cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh. Ông Lê Minh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bim Group, cho biết: “Với vai trò là nhà đầu tư, doanh nghiệp mong muốn có thể chế minh bạch. Đối với các nhà đầu tư chiến lược, hiện nay các luật định rất chồng chéo. Hy vọng sau này khi lên Đặc khu, chính sách một cửa phân quyền về đầu tư, quy hoạch, phê duyệt được phân quyền về Đặc khu. Chúng tôi mong muốn các thể chế minh bạch, cởi mở chứ không phải cơ chế xin cho".
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến những ưu đãi về thuế, đất đai tại Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà rất chú trọng đến chính quyền tại Đặc khu, cơ chế chính sách, thủ tục cho các nhà đầu tư, các cam kết của Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh…
Để xây dựng thành công Đặc khu kinh tế cần thu hút cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Do đó, việc xây dựng Luật Đặc khu cần hướng đến việc ổn định chính sách, minh bạch chính sách cũng như tạo môi trường bình đẳng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án Luật về Đặc khu kinh tế đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, cũng đã được đóng góp ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện và sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5 tới đây: “Đây là vấn đề mới và khó, chưa có tiền lệ. Việc xây dựng Luật cần phải tiếp cận theo hướng thận trọng, cạnh tranh, phải phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính khả thi. Chúng ta không nên quá cầu toàn, bởi đây là vấn đề mới đối với đất nước. Do đó, trong quá trình thực tế nếu cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thì chúng ta lại tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa và bổ sung"./
Theo VOV