Mô hình trồng dưa lưới hữu cơ ở Vinh Hưng (Phú Lộc)
Với ưu điểm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có nhiều chất dinh dưỡng mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, gần đây, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ được các tổ chức, đơn vị, người dân địa phương quan tâm, chú trọng.
Từ năm 2016, gia đình bà Đặng Thị Hiếu (xã Thủy Bằng, TP. Huế) liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Công ty Quế Lâm) chăn nuôi lợn hữu cơ. Ban đầu, từ nguồn vốn tích cóp của gia đình, bà Hiếu đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại đủ tiêu chuẩn với sự hỗ trợ kỹ thuật công nghệ của Công ty Quế Lâm chuyển giao quy trình chăn nuôi, từ khâu chọn giống, chăm sóc, đến thời điểm xuất chuồng. Sau 3 năm, từ số lượng nuôi thí điểm ban đầu, đến nay, trang trại lợn hữu cơ của bà Hiếu đã nâng lên 200 con, gồm lợn thịt, lợn nái, doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng, hoạch tính lãi hơn 300 triệu đồng.
Theo bà Hiếu, so với mô hình chăn nuôi lợn truyền thống thì chăn nuôi hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Phương thức chăn nuôi hữu cơ có sự giám sát, hướng dẫn kỹ thuật cán bộ Công ty Quế Lâm nên lợn không dịch bệnh, đầu ra thuận lợi. Đầu năm 2022, gia đình bà Hiếu tiếp tục xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để tăng số lượng, đáp ứng nguồn cung thị trường ngày càng nhiều.
Chỉ chưa đến 1 sào đất, gia đình ông Hoàng Văn Thơ (xã Vinh Mỹ, Phú Lộc) đã trồng cải, sà lách với quy trình canh tác theo hướng hữu cơ cho năng suất, lợi nhuận cao. Ông Thơ nhẩm tính, bình quân mỗi năm gia đình trồng 2-3 vụ, mỗi vụ khoảng tầm 2-3 tháng với năng suất chừng 5-6 tạ rau. Với giá bán tại vườn dao động từ 10-12 nghìn đồng/kg như hiện nay, gia đình thu lãi từ 20-30 triệu đồng/vụ. Theo ông Thơ, trước đây với diện tích trên, gia đình cũng trồng rau nhưng canh tác theo truyền thống nên giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định. Từ khi vườn rau gia đình được gắn "mác" sản xuất rau sạch hữu cơ, nhiều đầu mối, thương lái trong, ngoài địa phương đến đặt mua, không còn lo đầu ra như trước.
Thực tế cho thấy, từ khi chủ trương phát triển nền nông nghiệp sản xuất sạch, nông nghiệp công nghệ cao nở rộ, nhiều địa phương, đơn vị tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, vì sức khỏe cộng đồng. Đến nay, ngoài các mô chăn nuôi gà, lợn sạch, cây ăn quả... ở Thừa Thiên Huế có hàng trăm ha lúa, rau màu hữu cơ hiện hữu ở các huyện Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc... góp phần tạo cho môi trường trong lành, cải tạo lại chất đất và đem lại doanh thu cao.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ NN&PTNT trong dịp thăm, làm việc tại Thừa Thiên Huế mới đây, Thừa Thiên Huế có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ bởi vùng đất không chỉ dày trầm tích, văn hóa, lịch sử,... mà còn có nhiều cây, con đặc sản, đặc hữu ít địa phương khác sánh được.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giá trị kinh tế cao gắn với nhu cầu thị trường, liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; qua đó làm thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng...
Bài, ảnh: Song Minh