|
Tàu của ông Trần Văn Hội cập Cảng Thuận An bán cá cho thương lái
|
Tàu lớn vươn khơi
Ông Hà Thanh Hoài, cán bộ phụ trách nông-lâm- ngư thị trấn Thuận An, giở cho chúng tôi xem danh sách “dài dằng dặc” những ngư phủ có “máu mặt” tại địa phương đã và đang đóng mới tàu lớn để vươn khơi, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Như lời ông nói, nghề biển chưa bao giờ được đầu tư đúng hướng và hiệu quả như hiện nay, các tàu lớn đang “hiện diện” ngày một đông trên vùng biển quê nhà.
Đang mùa khai thác biển, các tàu cá đang tấp nập vào ra cảng. Vừa bước xuống tàu, ngư phủ Phan Tước (51 tuổi, thôn An Hải, thị trấn Thuận An) bắt tay ngay vào công việc vận chuyển cá vào kho đông lạnh. Ông Tước hiện là chủ 3 tàu cá có công suất từ 420-565 CV, làm dịch vụ hậu cần kết hợp đánh bắt trên biển. Nhắc chuyện biển, ông bảo: “Chú ưng tui kể từ đoạn mô? Dài lắm, từ chiếc thuyền máy D12 nhé?” Sinh ra con nhà ngư nghiệp, chiếc thuyền máy đánh bắt gần bờ đã gắn với nghiệp biển gia đình ông. Lớn lên, lập gia đình cũng với chiếc thuyền máy ấy “ra riêng”- như lời ông nói, đi gần bờ thì đủ ăn là may, dư dả chút thì đổi gạo nuôi con.
Năm 2009, ông hùn vốn cùng mấy anh em sắm chiếc tàu số hiệu TTH 93999, công suất 420 CV đầu tiên làm nghề trung chuyển, mua cá các chủ tàu lớn bán lại ở chợ cảng. Ông Tước tâm sự: “Đó là lần đầu tiên trong đời, bước vào tuổi 45, tui thay đổi phương thức bám biển, chuyển qua làm hậu cần. Những chuyến hàng đầy ắp tôm cá, lãi chia cho anh em bạn thuyền, tui tích cóp dần rồi nghĩ đến chuyện sắm tàu lớn vươn khơi.” Những “đứa con” của biển cả sau đó cũng ra đời là hai tàu mang số hiệu TTH 91999 (công suất 535 CV) và TTH 99939 (công suất 565CV), đã giúp ông Tước vươn lên làm chủ đội tàu hậu cần công suất lớn với thường trực từ 30-35 lao động trên tàu. Ông Tước ngồi nhẩm tính: “Với 3 tàu cá, mỗi chuyến ra khơi thu mua tùy dài hay ngắn ngày cũng ngốn vài chục triệu tiền dầu, đá, chi phí nhân công. Bởi thế, mình ra biển thu mua mà không hiệu quả thì cầm chắc…sạt nghiệp!”.
|
Thay đổi phương thức bám biển, ông Tước làm chủ 3 tàu cá lớn, kết hợp thu mua hải sản
|
Đội tàu ông Tước mỗi chuyến ra khơi từ 1-2 ngày, thu mua 60-70 tấn các loại cá nục, chù, giả, bò… từ các tàu Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình đánh bắt trên vùng biển, vận chuyển vào bờ bán tại cảng cá Thuận An, cảng Cửa Việt (Quảng Trị). Ông Tước tâm sự: “Mỗi năm chỉ làm được 6 tháng, 6 tháng còn lại phải xoay qua nghề khác. Cứ mỗi tháng trừ chi phí dầu, đá, nhân công, lãi mỗi tàu khoảng 50 triệu đồng. “Mặt hàng hải sản ông Tước thu mua trên biển đưa vào bờ còn hướng đến các đại lý xuất khẩu ngay trong cầu cảng. Các vùng nuôi thủy sản, các đặc sản trên biển như ghẹ, mực nang, cá chim, tôm, được ông mua từ các chủ tàu đánh bắt ở các vùng biển xa mang nhập cho các chủ cơ sở xuất khẩu, kiếm thêm được vài chục triệu đồng/chuyến”.
Ngoài sắm tàu lớn vươn khơi, ông Tước còn đầu tư làm kho đông lạnh thu mua, dự trữ hải sản ngay tại cảng Thuận An. Kho dự trữ gần 4.000m2 được ông Tước đầu tư gần 2 tỷ đồng cách đây hai tháng, công suất lò cấp đông chứa 15 tấn hải sản, đã trở thành một “dây chuyền” làm ăn khép kín nơi cầu cảng.
Tình yêu biển cả
Cũng từ chiếc ghe gọ nhỏ, đánh bắt gần bờ, ngư phủ Trần Văn Hội (52 tuổi, thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An) đã trở thành “tỷ phú” của làng chài nhờ biết cách tích lũy, liên kết làm ăn để mua sắm tàu lớn. Hai chiếc tàu công suất 300-500 CV của ông Hội vừa làm dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển vừa kết hợp đánh bắt.
Toàn thị trấn có 380 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó công suất từ 90 CV trở lên có 102 chiếc (có 32 chiếc làm dịch vụ hậu cần nghề cá). Năm 2015, được Sở NN&PTNT tỉnh tạo điều kiện, ngư dân địa phương đã đóng mới thêm 19 chiếc có công suất 90CV trở lên. Sản lượng đánh bắt đạt 7.500 tấn/năm
Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An thông tin
|
Ông Hội cho biết: “Vào mùa hè, mỗi chuyến với hai tàu tui thu mua từ 40-50 tấn cá, chỉ cần lãi từ 1,5- 2 triệu đồng/tấn là ổn. Đến mùa đánh bắt, các ngư trường từ Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, thậm chí ra tận tới Hoàng Sa, Trường Sa tàu của tui cùng những anh em trong tổ đoàn kết đều có mặt. Nói chung, nghề nào cũng có rủi may huống chi nghề biển cả, nếu biết cách làm ăn, lãi vài trăm triệu đồng/năm là điều chắc chắn”.
Các loại hải sản tàu ông Hội thường thu mua là cá lạc, cá thu, cá hố cộng thêm tôm xuất khẩu, được “bán tươi” khi vào cầu cảng Thuận An, Cửa Việt. Ông Hội có 3 người con trai, hiện 2 người con đã làm thuyền trưởng hai tàu cá lớn của gia đình. Người con trai út làm kế toán sổ sách ở nhà cùng vợ ông “điều hành” công việc mua bán ở cảng Thuận An.
Điều ông Hội thấy vui là những đứa con trai của ông giờ đã tiếp quản tàu, vươn khơi nối tiếp nghề truyền thống gia đình. Ông Hội chỉ theo tàu, tiếp tục truyền dạy những kinh nghiệm đi biển cho con khi “cầm lái” những con tàu lớn. Gọi ông là “lão ngư”, ông xua tay: “Tui còn đi biển ngon chán, nhưng thỉnh thoảng ở nhà để cho con nó “tự lập”. Nhớ biển lại ra khơi, theo đuôi con cá thôi!”
Nhẩm tính lỗ lãi, ông Hội tâm sự: “Hiện nay, mỗi chuyến đi thu mua hay đánh bắt dài ngày chi phí khoảng 1.000 lít đầu (13,5 triệu), 600 cây đá (gần 10 triệu), sau khi trừ chi phí nhân công cho 10 lao động, cũng còn lãi chục triệu đồng/ chuyến. Điểm lợi của tàu mình là không chỉ thu mua mà vào mùa trăng còn kết hợp vây lưới, câu vàng trên biển, vì thế công việc cứ làm liên tục, không ngơi nghỉ”.
Ông Hà Thành Hoài, cho biết: “Toàn thị trấn Thuận An hiện có 18 cơ sở sản xuất đá, 13 kho dự trữ hải sản và cấp đông. Bình quân mỗi ngày thu mua từ 10-15 tấn hải sản, dự trữ 200 tấn/kho. Việc các tàu lớn vươn khơi thu mua, đánh bắt kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá đã trở thành “hậu phương” vững chắc cho ngư dân bám biển dài ngày, làm ăn hiệu quả”.