ClockThứ Bảy, 10/10/2020 14:36

Nguy cơ lũ chồng lũ

TTH.VN - Từ trưa ngày 9 đến rạng sáng 10/10, nước lũ lên nhanh, có những nơi ngập sâu, dâng cao hơn cả lũ lịch sử 1999 tầm 30cm.

Bạn trẻ “giải cứu” dưa hấu Quảng Ngãi

Một hộ ở Quảng Phú bị ngập, buộc phải sơ tán

Ông Trần Sáng ở xã Quảng Phú (Quảng Điền) khá bất ngờ trước trận lũ lớn này. Nước lũ dù không dâng cao quá nhanh như lũ lịch sử 1999, nhưng có những khu vực ngập cao hơn trận lũ lớn này đến 30cm.

Tuy nhiên, tình hình mưa lũ đã được cảnh báo sớm, thủy điện thông báo xả lũ kịp thời nên người dân có sự chủ động ứng phó. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các lực lượng, chính quyền địa phương nên công tác ứng phó khá thuận lợi, không xảy ra thiệt hại lớn.

Ông Sáng cho biết, từ 6 giờ sáng đến nay, nước lũ trên địa bàn Quảng Phú bắt đầu giảm khoảng 30cm so với đỉnh điểm (từ khuya 10/10), nhưng tốc độ giảm chậm.

Mặc dù đã có những cảnh báo, sự chủ động ứng phó cần thiết nhưng trên địa bàn tỉnh đã có những thiệt hại về người và tài sản.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Sịa (Quảng Điền) thông tin, trong lúc đang chèo đò trên sông, anh Phạm Văn Long, 25 tuổi, trú tại tổ dân phố Khuông Phò Nam, thị trấn Sịa đã bị nước lũ nhấn chìm.

Sau sự cố thương tâm này, các lực lượng ở thị trấn Sịa và huyện Quảng Điền khẩn trương, tích cực ra quân kiểm tra, rà soát trên các sông, các vùng xung yếu để nhắc nhở người dân, cứu hộ cứu nạn khi gặp sự cố.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng nhận định, đợt lũ này sẽ gây thiệt hại lớn đến sản xuất và các công trình. Qua kiểm tra bước đầu, toàn huyện có 134 ha rau màu bị ngập, thiệt hại hoàn toàn.

Hơn 16.228 nhà bị ngập với độ sâu từ 0,5 - 1,5m. Tính đến 13 giờ ngày 10/10, toàn huyện di dời, sơ tán 1.011 hộ, 2.457 khẩu (sơ tán tại chỗ 869 hộ, 2.242 nhân khẩu; di dời 142 hộ, 215 nhân khẩu). Các xã, thị trấn đang tiếp tục triển khai di dời, sơ tán các hộ bị ngập sâu, người già, neo đơn, trẻ em và phụ nữ mang thai...

Tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Quảng Điền đều bị ngập sâu, tê liệt, mọi hoạt động đi lại chủ yếu bằng ghe, đò. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện gần như đều bị ngừng trệ.

Một tuyến đường ở Hương Trà ngập nặng cấm lưu thông

Lãnh đạo huyện Quảng Điền đang tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương bằng mọi cách tiếp cận các vùng trũng, ngập sâu, có nguy cơ chia cắt để có biện pháp cứu trợ lương thực, thực phẩm khi cần thiết. Các xã, thôn, trường học... đang nỗ lực triển khai các biện pháp quản lý con em, học sinh, người già, phụ nữ... với quyết tâm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về người.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Phan Thanh Hùng nhận định, ngoài mưa lớn liên tục, kéo dài kết hợp với vận hành điều tiết xả lũ tại các hồ thủy lợi, thủy điện khiến mực nước sông Hương, sông Bồ lên nhanh, cao trên mức báo động III, gây ngập sâu tại nhiều địa phương, nhất là các vùng thấp trũng.

Tính đến 13 giờ ngày 10/10, trên địa bàn tỉnh đã có 2 người chết đều do bị lật thuyền trong lúc săn bắt chim, đánh cá, thi thể đã được tìm thấy; 6 người bị thương do rắn cắn và giằng chống nhà, kê cao đồ đạc tránh lũ. Các trường hợp bị thương đều đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Toàn tỉnh có 1 nhà bị sập, 24.520 nhà bị ngập lụt từ 0,2 - 1,5m, buộc sơ tán, di dời 2.865 hộ, 8.360 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khá nặng. Thống kê bước đầu, diện tích nuôi tôm xen ghép chưa thu hoạch tại xã Giang Hải (Phú Lộc) bị ngập 223ha (ước thiệt hại từ 25-30%). Một số diện tích nuôi cá tại các xã Hương Phong, A Ngo, Hồng Bắc (A Lưới); 12 lồng cá, 1 ha ao hồ nuôi cá ở xã Điền Hòa bị lũ cuốn trôi; 2 hồ nuôi ốc Hương tại xã Điền Hương (Phong Điền) với diện tích 1.000 m2, thả nuôi 4 - 5 tháng bị chết với sản lượng lớn 1,5 tấn do mưa lớn, độ mặn giảm đột ngột. Các hộ nuôi đang tổ chức xử lý số ốc chết, ổn định môi trường, tăng sức đề kháng và bảo vệ an toàn cho số ốc còn lại.

Do ảnh hưởng của triều cường, bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10 km. Bờ sông Hương, đoạn qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m. Tuyến đê Nho Lâm – Nghĩa Lộ, đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền bị sạt lở mái nhiều vị trí với chiều dài khoảng 300m. Một số công trình thủy lợi tại 2 huyện Nam Đông và A Lưới bị hư hỏng, kênh mương bị bồi lấp. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị ngập sâu, hư hỏng...

Các hồ thủy điện vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, mực nước tại hầu hết các hồ thủy điện, thủy lợi đều gần đạt mực nước dâng bình thường, theo thiết kế; vì vậy các hồ buộc phải vận hành điều tiết xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa, theo lệnh của tỉnh nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Dự báo, từ ngày 11/10 có khả năng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới hoặc bão, tình hình mưa lớn trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, mực nước trên các sông vẫn còn dâng cao gây lũ chồng lũ. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương, người dân cần thường xuyên theo dõi dự báo, cảnh báo, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó một cách kịp thời.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Nguy cơ mất an toàn tại các "điểm đen" giao thông

Gần đây, hệ thống giao thông ở Phong Điền không ngừng được đầu tư, nâng cấp, kết nối thông suốt. Tuy nhiên, hiện tại các ngã ba, ngã tư ở các quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL)… qua địa bàn Phong Điền có nguy cơ thành “điểm đen”, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nguy cơ mất an toàn tại các điểm đen giao thông

TIN MỚI

Return to top