Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Để khởi nghiệp sáng tạo tiếp tục phát triển, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong thời gian tới.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế
Tại hội thảo bàn giải pháp thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam mới diễn ra, bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhấn mạnh: Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN
Đồng thời, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng ngày càng tăng, thể hiện ở số lượng các thương vụ đầu tư, số lượng vườn ươm, khu làm việc chung… Việt Nam hiện có khoảng 30 cơ sở ươm tạo (BI) và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA), tăng thêm 10 vườn ươm và 3 tổ chức thúc đẩy kinh doanh so với năm 2016 với những vườn ươm tiêu biểu như: Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc; Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh; Vườn ươm Đà Nẵng (DNES); Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC); Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội…
Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam rất lớn, theo thống kê của tổ chức Topica Foun2der Institute (TFI), năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD), trong đó phải kể đến: Kyber Network - nền tảng giao dịch phân cấp mới đáng tin cậy dựa trên công nghệ chuỗi khối; Foody - Mạng xã hội kết nối chia sẻ ẩm thực…
Bên cạnh đó, có khoảng 40 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài. Số lượng và hoạt động của nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam tuy chưa nhiều nhưng bắt đầu có xu hướng tăng, với nhận diện chủ yếu là những doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu mong muốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thế hệ sau.
Hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống hơn qua việc phát triển một số hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: VIC Impact, iAngel, Angel4us...
Theo bà Phan Hoàng Lan, thời gian qua, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã phối hợp với Văn phòng Đề án 844 hỗ trợ quảng bá và giới thiệu các start-up tiêu biểu tham gia các diễn đàn kết nối với kiều bào, tri thức quốc tế; kết nối quốc tế qua các vườn ươm, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, đại sứ quán… để đẩy mạnh hợp hợp tác quốc tế trong thời gian tới.
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) cho rằng: Số lượng giao dịch có sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế chiếm hơn 30% tổng số giao dịch nhưng giá trị đầu tư từ quốc tế lớn hơn nhiều so với đầu tư trong nước.
Hiện có nhiều startup gọi vốn quốc tế thành công nhưng việc thu hút nguồn lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế, kết nối với hệ sinh thái quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam rất quan trọng, đặc biệt khi các startup Việt đang ngày càng hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Thời gian tới, Đề án 844 hướng tới mở rộng kết nối vùng, liên vùng, quốc gia và quốc tế để thu hút nguồn nhân lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam; nghiên cứu xây dựng chính sách thị thực cho cá nhân người nước ngoài tới Việt Nam để xây dựng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn lực quốc tế cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Thực tế đã có nhiều startup Việt gọi vốn thành công từ nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng không ít startup không tìm kiếm được nguồn lực cho ý tưởng sáng tạo của mình, do đó, hàng năm Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” - Techfest để tăng cường kết nối cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong nước với nhà đầu tư quốc tế.
Techfest 2018 là hoạt động đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tham vấn chính sách về đổi mới sáng tạo, tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức có đóng góp tích cực cho cộng đồng khởi nghiệp…
Đặc biệt, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2018 có buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp
Theo ông Phạm Dũng Nam, hành lang pháp lý đã thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tạo lập môi trường thể chế chính sách thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với việc xây dựng và ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BKHCN ngày 12/4/2018 quy định tổ chức quản lý Đề án 844; phối hợp tham gia xây dựng nội dung về khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham gia xây dựng nội dung về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước tại Công văn số 666/BKHCN-PTTTDN ngày 19/3/2018…
Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp APEC với sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hơn 30 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Đồng thời, hàng năm tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, Bộ tổ chức các hội thảo liên kết vùng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo lập cơ hội để các địa phương liên kết, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với tình hình địa phương, phát huy tiềm năng khởi nghiệp của địa phương tới các đối tác, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã hoàn thiện, phát triển Cổng Thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cung cấp các thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là công cụ thống nhất từ trung ương đến địa phương trong việc thu thập và phân tích cơ sở dữ liệu các đối tượng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, năm 2019, Đề án 844 sẽ tập trung hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái; cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp; thúc đẩy liên kết trong nước - quốc tế trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, hình thành các mạng lưới về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm: mạng lưới nhà đầu tư và quỹ đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mạng lưới tư vấn, cố vấn, chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Mở rộng kết nối vùng, liên vùng, quốc gia và quốc tế, thu hút nguồn lực và nhân lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Theo TTXVN