ClockThứ Tư, 18/10/2023 06:50

Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp: Bao giờ mới không còn là ước mơ?

TTH - Nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế có nhiều chủ trương, chính sách, hỗ trợ đầu tư về nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân… Thế nhưng thực tế cung vẫn chưa đủ cầu, phần lớn người thu nhập thấp vẫn xem NƠXH là ước mơ.

Kiểm tra đối tượng đăng ký mua nhà ở xã hội

 Nhà ở xã hội luôn là ước mơ của người thu nhập thấp

Còn xa vời

Ở Thừa Thiên Huế có hơn 1,2 triệu dân; trong đó công, viên chức và công nhân lao động có mức thu nhập từ thấp đến trung bình chiếm khá lớn. Khi có việc làm ổn định, nhiều người trong số họ mong muốn được an cư nhưng giá đất, giá nhà luôn ở mức cao so với thu nhập của họ.

Chị Nguyễn Thị Tý (Phong Chương, Phong Điền) là cán bộ điều dưỡng ở một bệnh viện tại TP. Huế và có chồng là viên chức ở Sở Văn hóa và Thể thao. Hơn 5 năm nay, vợ chồng chị Tý thu nhập mỗi tháng tầm 20 triệu đồng, vừa đủ chi trả sinh hoạt cuộc sống gia đình. Chị chia sẻ: “Với khoản thu nhập trên, gia đình em không mua nổi NƠXH để ở thì những người thu nhập thấp hơn, như công nhân lương tháng 5-7 triệu đồng làm sao có thể tích cóp mua được nhà để ở”.

Hiện nay, một căn NƠXH có diện tích khoảng 50-60m2 (phần thô) có giá tầm trên dưới 700 triệu đồng (theo đơn giá thẩm định của Sở Xây dựng từ hơn 7,2 - 10,5 triệu đồng/m2). Với giá này, những trường hợp thu nhập trung bình như vợ chồng chị Tý chưa mua nổi, huống chi người thu nhập thấp hơn. Chồng chị Tý góp chuyện, với công việc hiện nay thu nhập có hạn, vợ chồng anh chỉ ao ước mua được căn hộ khoảng 50m2 với giá khoảng trên dưới 500 triệu đồng, Nhà nước cho trả góp từ 10-15 năm với lãi suất ưu đãi thì may ra mới có cơ hội sở hữu được căn hộ diện tích nói trên.

Vợ chồng anh Hồ Văn Khoa (Lê Thánh Tôn, TP. Huế) cưới nhau hơn 10 năm nay. Cũng gần thời gian này vợ chồng anh Khoa đã ở nhà thuê và đi làm công nhân ở khu công nghiệp (KCN) Phú Bài thu nhập mỗi tháng chưa đến 12 triệu đồng. Năm năm trước, bố mẹ ở quê bán đất chia cho anh 300 triệu đồng với mong muốn mua mảnh đất nhỏ để làm nhà gần nơi làm việc, thoát cảnh ở nhà trọ. Thế nhưng đến nay anh vẫn chưa thực hiện ước mơ của mình.

Anh Khoa nói: “Tôi muốn mua một mảnh đất ở vùng ven thị xã Hương Thủy làm nhà ở, nhưng số tiền ấy không thể. Cách đây 6 năm nghe có dự án NƠXH ở P. Xuân Phú, TP. Huế dành cho người thu nhập thấp, nhưng mỗi căn hộ 50m2 ở đây mới xây phần thô có giá hơn 700 triệu đồng. Tuy được hỗ trợ vay vốn nhưng lãi suất chưa thực sự ưu đãi, thời gian trả chưa dài nên công nhân như tôi cũng không thể mua được nhà”.

Hiện nay, do giá đất, giá nhà vượt tầm khả năng, nhiều người có mức thu nhập thấp và trung bình đành chọn giải pháp ở thuê. Người thu nhập khá thì thuê nhà, căn hộ với giá 2-3 triệu đồng/tháng; người thu nhập thấp thì chọn phòng trọ giá từ trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Tùy theo khu vực, vị trí mà giá thuê nhà, phòng trọ của người có thu nhập thấp có dao động.

Cung chưa đủ cầu

Theo ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, những năm qua các ban, ngành, đơn vị chức năng liên quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển NƠXH theo Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2015 và các kế hoạch có điều chỉnh sau này để định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến nay trên địa bàn tỉnh có 9 DA NƠXH đã, đang triển khai. Trong đó có 4 DA chấp thuận từ giai đoạn 2010-2014, đến nay đã hoàn thiện 1.773 căn, với 128.336m2 sàn và đã bán cho khách hàng 1.764 căn. Các DA còn lại đều chậm tiến độ từ 1-3 năm, thậm chí có DA chưa triển khai do những vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch và các thủ tục xây dựng liên quan… Trong số số này có 2 DA NƠXH độc lập được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020 - 2021 xây dựng 2.900 căn, với diện tích sàn 336.320m2 và 3 DA NƠXH từ quỹ đất 20% của DA thương mại, đô thị với 2.758 căn, với diện tích 213.960m2 sàn.

Tuy nhiên qua rà soát, thống kê chỉ tiêu thực hiện nhu cầu NƠXH từ 2016-2020, trong đó tính riêng của người thu nhập thấp sống ở khu vực đô thị là 332.633m2 sàn; trong khi đó chỉ thực hiện được 118.728m2 sàn, đạt 36%. Với nhu cầu nhà ở cho người lao động ở các KCN là 246.400m2 sàn nhưng thực tế chỉ thực hiện được 764m2 sàn, với 0,97% KH.

Một ví dụ minh chứng như tại KCN Phong Điền, từ năm 2012, Công ty Scavi Huế có kế hoạch đầu tư xây dựng 16 tòa nhà, gồm các khu vui chơi giải trí, căn tin, mua sắm… với diện tích gần 3ha, kinh phí gần 150 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu chỗ ở cho hơn 2.200 lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ xây dựng 96 phòng, mới đáp ứng chỗ ở cho 400 lao động.

Một chuyên gia xây dựng ở Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh chia sẻ, những năm qua, giá nhà, giá đất vẫn luôn tăng, trong khi thu nhập của đại đa số công nhân, nhân viên tăng không đáng kể. Không ít đôi vợ chồng trẻ phấn đấu, tích lũy để mua đất, mua nhà nhưng khi đủ tiền thì giá đất, giá nhà quá cách biệt, “chạy” mãi cũng không “đuổi” kịp giá đất và giá nhà.

Chị Lê Thị Na (giáo viên ở Phú Thượng, TP. Huế) tâm sự, có nhu cầu an cư, mới đây chị tìm hiểu để chọn căn hộ ở tầng 3, tại một chung cư ở phường Xuân Phú, TP. Huế nằm trong chương trình phát triển DA NƠXH dành người thu nhập thấp, diện tích 50m2 mà giá chốt hơn 1 tỷ đồng (mua từ chủ hộ đang sử dụng). Vượt khả năng tài chính thu nhập hàng tháng, chị đành rút lui về ở ké nhà với bố mẹ.

An cư cho người thu nhập thấp

Hiện, Thừa Thiên Huế có nhu cầu rất lớn về NƠXH, như TP. Huế và huyện, thị như: Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thùy… Đây là những địa phương tập trung nhiều KCN, khu kinh tế (KKT) có lượng lao động ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống rất đông nên nhu cầu về NƠXH, nhà cho người có thu nhập thấp khá lớn.

Mới đây tỉnh công bố quy hoạch xây dựng thêm 3 KCN mới tại TX Hương Trà, Hương Thủy với tổng vốn đầu tư lên gần 3.000 tỷ đồng, nâng tổng số toàn tỉnh có 9 KCN. Dự báo trong giai đoạn 2021-2025, chỉ tính riêng các KCN và các KKT trên địa bàn sẽ thu hút thêm hơn 21.000 lao động trong, ngoài tỉnh đến làm việc.

Với một lượng lớn lao động này, cùng với lượng lao động đã thu hút thời gian qua, nếu ban, ngành, đơn vị chức năng không tính toán kỹ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu chỗ ở cho công nhân lao động. Và áp lực giải bài toán về nhà ở cho người thu nhập thấp càng khó khăn hơn.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Phước Bửu Hùng, qua khảo sát trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025 mà chỉ tính riêng nhà ở cho công nhân ở các KCN, KKT và sinh viên có nhu cầu gần 50.000m2 sàn, cùng với việc quy hoạch bố trí quỹ đất trong giai đoạn 2021-2030 hơn 328ha để phát triển NƠXH. Tuy nhiên, nhiều DA phát triển NƠXH, nhất là nhà ở thu nhập thấp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn về khách, chủ quan đã triển khai với tiến độ rất chậm sẽ là một bài toán nan giải.

Mới đây, trong cuộc giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình phát triển NƠXH giai đoạn 2016-2021; trong đó có nhà ở cho công nhân lao động, một số nhà đầu tư, DN cho rằng, thủ tục đầu tư NƠXH hiện phức tạp, khó khăn nhất vẫn là vốn đầu tư xây dựng và vốn hỗ trợ cho người mua nhà. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, những diện tích đất được giao xây NƠXH thường ở xa khu dân cư, xa các khu công nghiệp, xa chợ, trường học, bệnh viện, thiếu các dịch vụ tiện ích đi kèm, nên nhiều chủ đầu tư, DN còn chần chừ vì bài toán hiệu quả kinh tế. 

Hiện nay, để tạo điều kiện cho các DN đầu tư NƠXH, cũng như người có thu nhập thấp được sở hữu nhà ở, tỉnh cần dự tính hỗ trợ các DN vốn vay ưu đãi từ nguồn Quỹ Phát triển nhà ở; yêu cầu các ngân hàng xem xét hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho DN làm NƠXH để đưa ra mức giá sản phẩm phù hợp; đồng thời đề xuất Chính phủ có những chính sách ưu đãi cho xây dựng NƠXH và người thu nhập thấp mua nhà. Những nỗ lực này, hy vọng ước mơ sở hữu nhà của người thu nhập thấp sẽ không còn nằm ngoài tầm với.

Bài, ảnh: KHOA VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Yêu thương & tâm huyết

Sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và tình cảm thân thương thầy – trò là niềm hạnh phúc giúp cho các thầy, cô giáo vượt qua bao áp lực để làm tốt nhiệm vụ “gieo con chữ”.

Yêu thương  tâm huyết
Bước chân không mỏi

Ngoài công việc của một cán bộ hội, hơn 10 năm qua chị Võ Cẩm Thành, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Xuân (Phú Vang) là một trong những nhân viên thu tiêu biểu trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.

Bước chân không mỏi
Phát huy thế mạnh nhân viên thu

Được mệnh danh là “cánh tay nối dài” của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), đội ngũ nhân viên thu là những người góp phần quan trọng trong việc đưa các chính sách bảo hiểm đến gần hơn với người dân, góp sức đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Phát huy thế mạnh nhân viên thu
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu

Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1 Giải bài toán về nhu cầu
Trường Cao đẳng Huế:
Đăng cai Hội thảo "Xã hội và văn hoá châu Á trong thời kỳ công nghệ số"

Với chủ đề "Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số", hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á sẽ diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế. Được Trường Cao đẳng Huế đồng chủ trì tổ chức, đây là lần đầu tiên Trường Cao đẳng Huế vinh dự đăng cai tổ chức sự kiện này.

Đăng cai Hội thảo Xã hội và văn hoá châu Á trong thời  kỳ công nghệ số

TIN MỚI

Return to top