Tàu đóng theo nguồn vốn vay từ Nghị định 67 trong ngày hạ thủy
Ngư dân nói không hiệu quả
Khát vọng có chiếc tàu công suất lớn của ông Trần Dành ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) để vươn đến các vùng biển xa, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trở thành hiện thực khi được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Chiếc tàu vỏ thép trị giá hơn 20 tỷ đồng đã hạ thủy cách đây 3 năm thật sự phát huy hiệu quả khi sản lượng đánh bắt mỗi chuyến cao hơn so với chiếc tàu cũ công suất nhỏ.
Từ khi tàu vỏ thép đi vào hoạt động, mỗi chuyến đánh bắt kéo dài từ 10-15 ngày, lại vươn đến vùng biển xa nên sản lượng thường cao hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, theo ông Dành, khó khăn lớn hiện nay là chi phí xăng dầu tăng cao, trong khi giá hải sản lại thấp nên thu nhập mỗi chuyến khai thác không cao hơn trước bao nhiêu.
“Với sản lượng đánh bắt như hiện nay, nếu giá hải sản cao như trước, nhiều chuyến đánh bắt có thể thu nhập vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Từ ngày hạ thủy chiếc tàu vỏ thép đến nay, mỗi năm có khoảng 8-10 chuyến khai thác, sau khi trả công cho các thuyền viên, mỗi chuyến lãi chừng 100-200 triệu đồng. Trong khi đó, nợ ngân hàng gần 20 tỷ đồng, mỗi tháng phải trả cả nợ gốc và lãi đến 150 triệu đồng là nguyên nhân chính khó trả nợ, dẫn đến nợ quá hạn”, ông Dành giải thích.
Ngư dân Nguyễn Văn Hóa ở thị trấn Thuận An trăn trở: “Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, sản lượng đánh bắt thấp, giá hải sản lại giảm đến 40-50% so với trước. Mặc dù giá hải sản mới đây được phục hồi nhưng vẫn còn ở mức thấp, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động. Mỗi chuyến đánh bắt may ra chỉ đủ trang trải chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng tàu, ngư cụ nên khó có điều kiện trả nợ đúng hạn cho ngân hàng”.
Đánh bắt không hiệu quả, thua lỗ nên từ nhiều tháng nay, chiếc tàu vỏ thép của ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) đóng mới theo Nghị định 67 phải nằm bờ. Không có điều kiện trả nợ nên số nợ gốc và lãi quá hạn đến nay (tháng 10/2019) hơn 700 triệu đồng. “Nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, giá lại thấp là nguyên nhân nhiều chuyến biển kém hiệu quả”, ông Chiến bày tỏ.
Cơ quan chức năng bảo chây ỳ
Ông Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An cho rằng: Đóng chiếc tàu vỏ gỗ trị giá 4 tỷ đồng, nợ chừng 70% cũng đã khó trong quá trình trả nợ khi đánh bắt không hiệu quả; huống gì đóng chiếc tàu vỏ gỗ, hay vỏ thép công suất lớn, trị giá 9-21 tỷ đồng thì nguy cơ nợ quá hạn, thậm chí vỡ nợ rất cao.
Tuy nhiên theo ông Phan Văn Chinh, các chủ tàu cũng có thể chủ động cân đối kinh phí để trả nợ ngân hàng, tránh vỡ nợ bằng cách chuyến biển nào có thu nhập cao thì trả nợ gốc càng cao, không nhất thiết phải trả định mức hằng tháng theo quy định của ngân hàng; tháng nào thu nhập thấp thì chỉ trả lãi, còn định mức nợ gốc hàng tháng có thể trả thấp lại. Phương án này cũng cần sự chấp thuận, tạo cơ chế thuận lợi nhất từ phía ngân hàng để ngư dân có điều kiện trả nợ.
Theo lãnh đạo thị trấn Thuận An thông tin, toàn thị trấn có 23 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 bằng vốn vay từ Ngân hàng NN&PTNT tỉnh. Qua kiểm tra, chỉ có 3 tàu đánh bắt thua lỗ, còn lại đều hoạt động hiệu quả, có tàu mỗi chuyến thu nhập 400-500 triệu đồng; tuy nhiên nhiều chủ tàu cố tình chây ỳ, không chịu trả nợ ngân hàng. Chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động bà con ngư dân trả nợ đúng kỳ hạn.
Tính riêng huyện Phú Vang (có số tàu đóng theo Nghị định 67 lớn nhất toàn tỉnh) có tổng dư nợ tại Ngân hàng NN&PTNT tỉnh gần 120 tỷ đồng. Mới đây, Ngân hàng NN&PTNT tỉnh phối hợp với các địa phương đã có buổi làm việc với 16 chủ tàu có nợ quá hạn để tìm hướng xử lý.
Ông Trần Đình Khoái, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT-Chi nhánh Thừa Thiên Huế cho rằng, qua tìm hiểu, các chủ tàu vay từ các ngân hàng thương mại (trừ Ngân hàng NN&PTNT) có thế chấp tài sản thì ý thức trách nhiệm cao, trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn quy định. Một số hộ ngoài trả nợ đúng kỳ hạn còn tích lũy vốn đóng mới thêm tàu để hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong khi đó, các chủ tàu đóng theo Nghị định 67 có tư tưởng ỷ lại, ý thức trách nhiệm thấp, cố tình chây ỳ, trả nợ không đúng hạn dẫn đến nợ quá hạn.
Trong khi Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp ngư dân đóng tàu vươn khơi đánh bắt thì ngư dân phải có ý thức, trách nhiệm trả nợ đúng hạn theo quy định. Nếu các chủ tàu tiếp tục chây ỳ, dẫn đến nợ xấu thì buộc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh phải tính đến phương án khởi kiện theo quy định của pháp luật, thu giữ tàu…
Dư nợ trên 255 tỷ đồng
Trên địa bàn tỉnh có 40 tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ với tổng vốn vay hơn 300 tỷ đồng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện dư nợ vốn cho vay đóng tàu gần 255,9 tỷ đồng.
Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, về khó khăn trong thu hồi nợ vay đóng tàu theo Nghị định 67, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thành lập các tổ để thu hồi. Các tổ này do lãnh đạo huyện và các phòng ban liên quan làm việc với người dân, đốc thúc hoàn trả. Đối với một số trường hợp ngư dân khó khăn, cũng đã có các chính sách để hỗ trợ, như bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, hỗ trợ tiền để duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ nhiên liệu… để phục vụ sản xuất.
|
Bài, ảnh: Hoàng Triều