ClockChủ Nhật, 17/03/2024 14:02
HƯỚNG DÒNG VỐN VÀO LĨNH VỰC ƯU TIÊN:

Nhiều cơ chế, chính sách cho vay được mở rộng

TTH - Vấn đề này đã được ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chia sẻ cùng Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi trao đổi về hoạt động tín dụng năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Khơi thông dòng tiềnLãi suất thấp, vẫn khó vay

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh 

Theo ông Phạm Bá Nam, năm 2024 được đánh giá sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư, tín dụng. Trong đó, thách thức lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của các tổ chức tín dụng (TCTD) chính là: Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm; áp lực nợ xấu gia tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% mà chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đặt ra trong năm 2024 có hợp lý không, thưa ông?

Chi nhánh đã bám sát Chỉ thị 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2024, Quyết định số 01/QĐ-UBND của UBND tỉnh về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn khoảng 12%. Đây là mục tiêu phù hợp với dự báo điều kiện, bối cảnh kinh tế năm 2024 trên địa bàn.

Để đạt mục tiêu đó, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đang và sẽ triển khai những giải pháp nào?

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, trong đó xác định công tác tín dụng sẽ tiếp tục là hoạt động trọng tâm của năm 2024. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

 Các ngân hàng tập trung nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các giải pháp tăng trưởng tín dụng, tập trung hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương để đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khách hàng của chính ngân hàng mình.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư tại địa phương; chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN; đẩy mạnh thực hiện cho vay các chương trình mục tiêu quốc gia…

Nhiều người cho rằng, lãi suất huy động đã chạm đáy, song lãi suất cho vay vẫn ở mức cao?

Theo quy định hiện hành, lãi suất cho vay của TCTD đối với khách hàng là do TCTD và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vốn vay, thời hạn món vay và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm 4 lần lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2%/năm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành đã định hướng cho việc giảm lãi suất của hệ thống các ngân hàng trong thời gian qua.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, mặt bằng lãi suất huy động bình quân cũng như lãi suất cho vay mới đang ở mức rất thấp, thậm chí thấp hơn so với trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, lãi suất các khoản vay cũ có tốc độ giảm chậm hơn do độ trễ với lãi suất huy động. Dù vậy, mặt bằng lãi suất của các khoản vay này cũng đã giảm rất đáng kể so với đầu năm 2023.

Việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất… để hỗ trợ nền kinh tế sẽ được tiếp tục?

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tỉnh vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc áp dụng lãi suất thả nổi của các TCTD đối với khách hàng. Các TCTD trên địa bàn cũng tích cực thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, lãi suất ưu đãi, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.

Hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên là chỉ đạo xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước. Tại địa bàn tỉnh, tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực ưu tiên có những điểm sáng nào, thưa ông?

Hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên luôn là chỉ đạo xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước.

Trong nhiều năm qua, tín dụng các lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn tiếp tục được quan tâm chú trọng. Đến cuối năm 2023, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn đạt 14.755 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19% tổng dư nợ; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,6% tổng dư nợ; tín dụng đối với xuất khẩu đạt 5.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,6% tổng dư nợ; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 1.178 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,5% tổng dư nợ.

Theo ông, các TCTD cần thực hiện các giải pháp nào nhằm thực hiện mục tiêu hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên?

Hiện nay, rất nhiều cơ chế chính sách được ban hành để động viên khuyến khích các TCTD đầu tư mở rộng cho vay đối với lĩnh vực này. Về phía các TCTD, để tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực ưu tiên cần phải tích cực triển khai, truyền thông các chính sách hỗ trợ đối với người dân và doanh nghiệp vay vốn trong lĩnh vực này, đặc biệt tiếp tục thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết khoản vay; xây dựng các chương trình, sản phẩm với các ưu đãi về lãi suất, phí...

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Loan (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Nam Đông đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình, không ngừng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
WB nhận được cam kết hơn 11 tỷ USD để ứng phó với khí hậu và thách thức toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cho biết 11 quốc gia đã cam kết đóng góp hơn 11 tỷ USD cho các công cụ vốn kết hợp và bảo lãnh danh mục đầu tư mới, được thiết kế để mở rộng năng lực cho vay của WB thêm 70 tỷ USD trong một thập kỷ, nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch và các thách thức toàn cầu khác.

WB nhận được cam kết hơn 11 tỷ USD để ứng phó với khí hậu và thách thức toàn cầu
Return to top