Quy trình sản xuất bằng máy móc
Tọa lạc trên khu đất rộng 2,2ha, Nhà máy thủy tinh của Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Glass Vico, trực thuộc Công ty CP Xuất nhập khẩu - Dịch vụ và Đầu tư Việt Nam (gọi tắt là Vicosimex) đã đi vào hoạt động sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là cát thạch anh, một loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao tại huyện Phong Điền.
Trước khi tham quan quy trình vận hành, ông Nguyễn Văn Thuần, Giám đốc Công ty Glass Vico cho chúng tôi xem những mẫu thiết kế chai thủy tinh của các đơn vị đặt hàng để nhà máy sản xuất. Đó là những chai đựng rượu truyền thống như: Men, Vodka, Putinka, Cổ bồng, Wall street... và chai dầu tràm quen thuộc với người dân Huế. Ông Thuần thông tin, nhà máy vừa hoàn thành giai đoạn 1 với mức đầu tư 50 tỷ đồng và đã đi vào hoạt động. Với năng lực thiết kế như hiện nay, mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất khoảng 15 triệu sản phẩm chai và đang có 9 mẫu khuôn chai các loại cùng nhiều khuôn bình ngâm rượu kích cỡ khác nhau. “Thị trường tiêu thụ của công ty khu vực miền Bắc chiếm 60%, còn lại là miền Trung và miền Nam”, ông Thuần nói.
Hiện nay, theo ước tính, tại huyện Phong Điền có khoảng 103 triệu mét vuông cát thạch anh, tầng cát có độ sâu từ 2-4 mét. Nhận thấy tiềm năng đó, năm 2008, Công ty TNHH MTV Vico Silica trực thuộcVicosimex được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác mỏ cát rộng 80 ha, trữ lượng 3,7 triệu tấn. Đây là tiền đề để ra đời nhà máy sản xuất thủy tinh đầu tiên ở miền Trung như hiện nay, đứng chân ở huyện Phong Điền.
Để đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thủy tinh như hiện nay, Vicosimex trải qua khá nhiều khó khăn. Tháng 2/2017, Vicosimex bắt đầu xây dựng nhà máy đến tháng 11/2017 đi vào hoạt động cho ra sản phẩm, song sau thời gian ngắn hoạt động phải dừng lại vì sản phẩm sản xuất ra chưa đạt chất lượng như mong muốn. “Thời điểm đó, trong quá trình sản xuất gặp nhiều lỗi nên chúng tôi phải phá bỏ lò nấu thủy tinh”, ông Thuần nói.
Nhằm khắc phục những khó khăn liên quan đến lỗi kỹ thuật, Vicosimex nhập công nghệ dây chuyền sản xuất hiện đại từ Trung Quốc. Đồng thời thuê hẳn các chuyên gia Trung Quốc đến lắp đặt và xây dựng. “Trước khi đi vào xây dựng, vận hành nhà máy như hiện nay chúng tôi cử 20 lao động nhà máy sang Trung Quốc để đào tạo, học quy trình vận hành. Công ty cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường trong nước”, ông Thuần chia sẻ.
Nhà máy đang mua cát từ Công ty TNHH MTV Vico Silica để sản xuất thủy tinh. Cát được tuyển rửa, sàng lọc kỹ để phân loại cỡ hạt, loại bỏ tạp chất và khoáng vật nặng sau đó vận chuyển về sản xuất bằng dây chuyền, công nghệ được nhập từ nước ngoài.
“Nguyên liệu sản xuất thủy tinh gồm cát, mảnh thủy tinh và 11 chất phụ gia khác được phối trộn rồi dùng tời đưa lên lò nung nóng đến nhiệt độ 1.500 - 1.600°C. Sau đó, nguyên liệu chảy ra thành các dòng thủy tinh, qua các máng dẫn xuống dao cắt giọt, rồi xuống máy sản xuất chai qua hệ thống băng xích chạy vào lò ủ ra sản phẩm đóng gói”, ông Thuần nói về quy trình sản xuất chai thủy tinh.
“Glass Vico là một trong 5 nhà máy, đơn vị trực thuộc Vicosimex. Mục tiêu của công ty sau 2 - 3 năm hoạt động sẽ tiếp tục đầu tư thêm lò nấu mới công suất 30 - 50 tấn/ngày với vốn đầu tư khoảng 80 tỷ đồng cho giai đoạn 2 nhằm hướng đến nhu cầu xuất khẩu trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm và y tế. Nhà máy không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà”, ông Võ Văn Kiệt - Tổng Giám đốc Vicosimex thông tin.
|
Hiện nay nhà máy có 85 cán bộ công nhân viên, hầu hết người lao động là công dân địa phương và công ty cũng ưu tiên sử dụng lao động địa phương để góp phần nâng cao đời sống xã hội của địa phương. Dự kiến khi giai đoạn 2 đi vào hoạt động, nhu cầu lao động của công ty lên đến 200 người.
Anh Nguyễn Đình Tiến, kỹ sư công nghệ nhà máy chia sẻ: “Nhà máy sản xuất theo quy trình công nghệ cao, tất cả đều sử dụng máy móc thông qua sự vận hành của con người. Chúng tôi cũng được tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề ở nước ngoài trước khi vận hành. Nhà máy mọc lên tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động”.
Ông Nguyễn Văn Thuần thông tin về lý do chọn Khu công nghiệp Phong Điền là nơi đầu tư bởi cơ sở hạ tầng nơi đây tương đối hoàn thiện, lực lượng lao động dồi dào đáp ứng được nhu cầu của công ty, nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển của địa phương và các ưu đãi đầu tư tỉnh nhà.
“Công ty ưu tiên sản xuất các loại chai chứa rượu phục vụ cho nhu cầu của các công ty sản xuất rượu trong nước và nhất là một lượng không nhỏ chai thủy tinh phục vụ cho làng nghề dầu tràm truyền thống tại Thừa Thiên Huế. Công ty cũng đang xúc tiến để đưa chai thủy tinh xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Hàn Quốc…”, ông Thuần nói.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chế biến sâu nguyên liệu cát trắng thành các sản phẩm khác. Từ năm 2011, Công ty Vicosimex đã tìm hiểu, nghiên cứu một số dự án như sản xuất thủy tinh nước, thủy tinh cục, sợi vải thủy tinh, silica dioxit…Tuy nhiên với nhiều lý do khác nhau như thị trường, môi trường, hiệu quả kinh tế… nên không thể triển khai đầu tư. Hiện nay, với sự ra đời của Nhà máy thủy tinh Glass Vico, Công ty Vicosimex đã thực hiện đầy đủ các cam kết với UBND tỉnh theo lộ trình chế biến sâu nguyên liệu cát trắng cho ra các sản phẩm khác như cát khuôn đúc, bột cát, sản phẩm thủy tinh.
Bài, ảnh: Lê Thọ