|
Lọc dầu - công đoạn cuối cùng sau khi dầu tràm đã thành phẩm
|
Công phu
Giữa cái nắng như rang vào những ngày đầu hè, chúng tôi đã trở lại thăm vùng quê nằm bên chân đèo Phước Tượng, cách TP Huế về phía nam chừng 50 cây số. Gặp và được ông Trương Diệp - một người nay đã bước vào độ tuổi lục tuần chia sẻ tôi hiểu thêm chuyện vui buồn nghề dầu tràm này.
Theo lời ông Diệp, trước đây Lộc Thủy vốn được xem là vùng đất trời phú cho rất nhiều cây tràm, cây bổi. Những thứ cây này chưa làm nên sự giàu sang nhưng nó đã sinh ra nghề tinh chế dầu tràm nổi tiếng, góp phần nuôi sống bao thế hệ người dân “lắm nước” (tên gọi đùa người địa phương). Những năm thập niên 1980-1990, cây tràm, cây bổi rất nhiều, mọc quanh quẩn bên các trảng cát gần làng. Hồi đó, Lộc Thủy có hàng trăm người dân chuyên đi hái lá tràm về tinh luyện dầu. Quanh năm suốt tháng làng quê này luôn đỏ lửa, khách qua lại mua dầu rộn ràng. Cũng từ nghề này, ông Diệp đã lớn lên và tiếp tục nối nghiệp của bố mẹ nuôi sống gia đình nhỏ của mình. Dầu của ông làm ra đến đâu bán hết đến đó qua các mối quen và bà con đặt mua làm quà. Bình quân, mỗi ngày ông nấu một mẻ, khoảng 1 lít là có tiền chi trả sinh hoạt 3-4 ngày cho cả nhà 4-5 miệng ăn. Cuộc sống gia đình ông vào những năm ấy khá sung túc hơn những hộ chuyên làm nông.
Tò mò về cách tinh luyện dầu tràm, ông Diệp cho biết: “Cách thức tương tự như nấu rượu. Thời gian thực hiện một chu kỳ tinh luyện mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ. Theo kinh nghiệm cá nhân ông, cứ 5-6 bao (bao tải) tức chừng 1 tạ lá tràm phơi heo héo đưa vào nồi đổ nước ngập 1/3. Sau đó đun lửa đều cho nước trong nồi sôi. Lúc này nồi tràm bắt đầu bốc hơi, ngưng tụ thành nước dầu chảy qua hệ thống ống dẫn xuống bình chứa (bình thủy tinh hoặc can nhựa). Sau đó sẽ thấy trong bình chứa có lớp dầu màu trắng hồng nằm phía trên khoảng 0,5 lít, phía dưới là nước”. Theo ông Diệp, không phải ai cũng có thể tinh luyện một mẻ dầu tràm thơm, đượm nồng, dược tính cao. Bởi nghề này được truyền qua bao thế hệ, những kinh nghiệm gia truyền được đúc rút là bài học gắn với mồ hôi, nước mắt của người dân Lộc Thủy. Người tinh luyện dầu tràm thơm phải là những người “mát tay”, nắm rõ những bí quyết về cách chọn nguyên liệu, phơi lá tràm, mực nước khi đổ, nhiệt độ của lửa… Về hạch toán kinh tế, ông Diệp cho rằng, theo nghề giờ chỉ sống qua ngày. Lúc trước, còn chủ động được nguồn nguyên liệu, hiện cây tràm đã ít dần. Theo giá hiện tại, mỗi lít dầu bán ra khoảng 1,5 triệu đồng, lãi khoảng 300-400 nghìn đồng, trong đó chưa tính tiền chai lọ và công cán.
Trăn trở người trong cuộc
Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Diệp không ít lần nheo mắt than thở: “Nỗi niềm lắm chú ơi. Gần đây nhiều thông tin cho rằng Lộc Thủy bán dầu dỏm, dầu nhái ảnh hưởng đến uy tín bao năm mình sống, lao động chân chính với nghề. Nếu cái đà ni mình có lỗi với ông cha lắm”. “Cái gì thật mới bền. Ai làm dối trá sẽ bị đào thải. Có như vậy, nghề dầu tràm Lộc Thủy mới sống mãi với thời gian", ông Diệp chia sẻ.
Bà Trần Thị Quyên, thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, người theo nghề tinh dầu tràm đời ông nội để lại cho hay, dầu tràm Lộc Thủy đã gắn bó bao đời nay với người dân địa phương. Dù ai xa quê đều nhớ đến dầu tràm Lộc Thủy. Nó như một thứ “thần dược” thôn quê đã gắn vào mỗi con người khi lọt lòng. Nghề tinh luyện dầu tràm của gia đình bà dù có thăng, trầm nhưng bà vẫn cố giữ lấy nghề xem như sự tri ân của con cháu đối với lớp tiên hiền khi khai phá vùng đất bán sơn địa này. Cũng như ông Trương Diệp, bà Quyên trăn trở trước thực trạng ngày càng nhiều dầu tràm không rõ nguồn gốc bán tại địa bàn Lộc Thủy, giá từ 200-300 nghìn đồng/ lít. Trong khi đó, dầu tràm Lộc Thủy chính hiệu giá trên dưới 1,5 triệu đồng/lít.
Bà Quyên nói, nghề tinh luyện dầu tràm giờ nan giải lắm. Làm ra một mẻ dầu đã khó mà bán dầu ra thị trường cũng khó hơn. Hiện bà biết những địa chỉ bán dầu dỏm nhưng không dám nói. Mà theo bà, nói ra chưa chắc đã hay vì họ cho rằng mình ghen ăn tức ở. Đã có nhiều người bị cơ quan chức năng điểm mặt nhưng rồi vẫn như đá ném ao bèo. “Lo cho khách ham giá rẻ vớ phải dầu dỏm, không phải dầu tràm do chính tay người dân Lộc Thủy tinh chế”, bà Quyên trăn trở.
Câu chuyện về làng nghề dầu tràm Lộc Thủy như dài hơn khi chúng tôi gặp ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy. Ông Hữu cho biết: “Hiện dầu tràm Lộc Thủy đã xây dựng thương hiệu tập thể và được Cục Sở hữu trí tuệ chính thức công nhận vào năm 2011. Đây là thành công, động lực mới cho người dân địa phương có “đất” sống, cạnh tranh loại dầu tràm trôi nổi trên thị trường; đồng thời có cơ sở vận động nhiều gia đình trở lại với nghề. Hiện, trên địa bàn đã thành lập HTX sản xuất dầu tràm Lộc Thủy mang thương hiệu tập thể, có hơn 33 hộ tham gia sản xuất. Các hộ này được qui ước, sản xuất tinh dầu đảm bảo môi trường, bán đúng dầu tràm Lộc Thủy với chai lọ đã thống nhất kiểu dáng....
Tuy nhiên, những điều kiện trên, theo ông Hữu vẫn chưa đủ để níu nhiều người dân trở lại với nghề dầu tràm ông cha để lại. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với ban, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm định nhằm loại trừ loại dầu dỏm, dầu nhái trên địa bàn; đồng thời tìm mọi cách liên doanh liên kết, xây dựng nguồn nguyên liệu, đầu ra sản phẩm ổn định... đưa thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy có chỗ đứng ổn định trên thị trường, mùi hương tràm bên chân đèo Phước Tượng tiếp tục tỏa ngát khắp mọi nơi...