ClockThứ Bảy, 10/11/2018 06:30

“Bà đỡ” cho Phú Sơn

TTH - Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Phú Sơn (HTX LNBV Phú Sơn), xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy) được thành lập và đi vào hoạt động cách đây gần một tháng là điều kiện và cơ hội nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị rừng sản xuất cho người dân Phú Sơn.

Rừng trồng FSC không lo đầu raKhai thác và bán gần 5.500 tấn gỗ rừng FSC

Ông Trần Văn Hương cũng như nhiều hộ trồng rừng ở xã Phú Sơn từng biết đến hiệu quả mô hình trồng rừng gỗ lớn (RGL), có chứng chỉ FSC (Hội đồng quản trị rừng thế giới) ở nhiều địa phương. Với mô hình trồng rừng thông thường, sau 4 năm thu hoạch chỉ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha, nhưng trồng RGL sau 7 năm thu hoạch có giá trị trên dưới 250 triệu đồng/ha. Thời gian qua, ông Hương và nhiều chủ rừng ở Phú Sơn được tham gia các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm trồng RGL ở trong và ngoài tỉnh.

Nguyện vọng của ông Hương và người dân Phú Sơn lâu nay rất cần “một điểm tựa” trong quá trình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm RGL. Vì vậy HTX LNBV Phú Sơn được thành lập không chỉ là “bà đỡ” cho đầu ra, giá cả ổn định mà còn giúp các hộ thành viên nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phát triển kinh tế rừng trồng bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ.

Ông Ban Văn Phúc, Giám đốc HTX LNBV Phú Sơn thông tin, trước xu thế tất yếu của thị trường cùng với nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương, xã Phú Sơn quyết định thành lập HTX LNBV Phú Sơn sau một thời gian nghiên cứu, xúc tiến các thủ tục theo quy định. Nhiệm vụ chính của HTX là cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho hộ thành viên, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh rừng trồng bền vững và đáp ứng tiêu chí FSC.

HTX thành lập với 25 hộ thành viên, tổng diện tích rừng 300 ha, trong đó có 200 ha rừng trồng có FSC. HTX đang xúc tiến, vận động các hộ trồng rừng tiếp tục tham gia trồng RGL, có FSC. Chỉ tính riêng xã Phú Sơn và các xã lân cận trên địa bàn TX. Hương Thủy hiện còn hàng ngàn hộ gia đình sở hữu hàng ngàn ha rừng trồng sản xuất chưa tham gia chứng chỉ FSC. Tuy nhiên lợi ích của rừng trồng FSC đã thấy rõ là động lực để trong tương lai không xa sẽ có nhiều chủ rừng với nhiều diện tích rừng trồng tiếp tục đăng ký tham gia FSC.

Từ 2018-2019, HTX phấn đấu có thêm 200-300 ha RGL, có chứng chỉ FSC. HTX tổ chức các dịch vụ: sản xuất, thu mua cây giống thân thiện môi trường; thuê lao động trồng, chăm sóc rừng; mua phân bón phục vụ thâm canh rừng; sơ chế gỗ rừng trồng theo các quy cách sản phẩm gỗ chế biến; đầu tư vốn duy trì rừng trồng đạt tiêu chuẩn gỗ lớn; tiếp cận thị trường... Ngoài sự hỗ trợ từ Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh (FOSDA), HTX còn được Công ty Scancia Pacific, Dự án SBAR/WWF và các chương trình, dự án khác hỗ trợ sản xuất, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, ông Nguyễn Hải cho rằng, thuận lợi của HTX bước đầu đi vào hoạt động là số thành viên tham gia HTX có diện tích rừng sản xuất khá lớn, trong số 300 ha có đến 200 ha rừng trồng có chứng chỉ FSC. Nguồn lao động tại địa phương rất dồi dào, có kinh nghiệm chăm sóc, làm vườn ươm cây giống, đủ vốn để kinh doanh. Địa hình trồng rừng bằng phẳng, lại gần Nhà máy chế biến gỗ Minh An cũng là lợi thế lớn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên do mới bước đầu đi vào hoạt động, kinh nghiệm của đội ngũ quản lý, điều hành HTX chưa nhiều, các thành viên còn rụt rè khi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các đợt sinh hoạt, cũng như chưa mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế rừng. Một bộ phận hộ thành viên và người dân chưa nắm bắt kịp thời các thông tin thị trường, chưa đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu (nhà kho, vườn ươm…) một cách thỏa đáng.

Trong quá trình hoạt động, HTX triển khai kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, quản lý cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ; thực hiện chính sách thu hút cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực về làm việc tại HTX. HTX liên kết, phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong chuỗi giá trị, đảm bảo năng lực và các điều kiện tham gia vào Liên hiệp các HTXLNBV tỉnh.

Trước mắt, HTX xúc tiến đầu tư xây dựng vườn ươm cây giống đảm bảo chất lượng, thân thiện môi trường, phù hợp với quy trình trồng RGL, có FSC cung ứng cho thành viên và bán ra thị trường. Chỉ tính riêng diện tích rừng trồng hiện có của các thành viên HTX, theo chu kỳ khai thác và trồng lại rừng là 7 năm thì mỗi năm khai thác khoảng 45 ha, như vậy HTX phải cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn khoảng 135 ngàn cây (trồng mật độ 3.000 cây/ha). Từ đó, HTX tổ chức dịch vụ cung ứng cây giống lâm nghiệp bằng công nghệ hữu cơ với quy mô 500 ngàn cây giống/năm đầu đi vào hoạt động và 2-3 triệu cây đối với những năm tiếp theo…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai

Với việc thực hiện trồng mới 22 ha rừng ngập mặn tại xã Hương Phong (TP. Huế) đã góp phần tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển.

Trồng rừng ngập mặn ứng phó thiên tai
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế tập thể

Sáng 30/7, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức họp Ban chấp hành lần thứ 10 (nhiệm kỳ 2020-2025) đánh giá tình hình kinh tế tập thể, HTX, hoạt động của Liên minh HTX 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế tập thể
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã

Những năm qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh luôn tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thành lập mới HTX và nâng cao chất lượng hoạt động các HTX hiện có. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế tập thể (KTTT), cải thiện đời sống cho thành viên và người dân tại địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã
Đối khớp ba loại rừng, đất lâm nghiệp còn khó khăn

Đối khớp ba loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) và ba loại đất lâm nghiệp (đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đối khớp ba loại rừng, đất lâm nghiệp còn khó khăn
Return to top