ClockChủ Nhật, 15/03/2015 06:19

Bám đồng bảo vệ lúa

TTH - Dù chỉ mới đầu vụ nhưng sâu bệnh đã xuất hiện gây hại lúa trên diện rộng. Hàng trăm ha lúa bị bệnh đạo ôn, chuột và ốc bươu vàng gây hại khiến nông dân lo lắng.

Nông dân lo

Nông dân các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến (Phú Lộc) đứng ngồi không yên vì bệnh đạo ôn gây hại lúa khá nặng. Trong 500 ha lúa đông xuân của hai địa phương, trên có gần 100 ha bị nhiễm bệnh, trong đó khoảng 10 ha bị nặng nguy cơ khó phục hồi. Nông dân Nguyễn Tuấn ở xã Lộc Tiến nói: “Từ khi lúa nảy mầm khoảng 10 ngày thì sâu bệnh bắt đầu xuất hiện, sớm hơn so với nhiều năm. Người dân chủ động bơm thuốc phòng trừ vào các buổi sáng hằng ngày nhưng sâu bệnh vẫn chưa thuyên giảm, thậm chí có nguy cơ tiếp tục lây lan diện rộng”.
Ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết, sâu bệnh đang diễn biến khá phức tạp, xuất hiện rải rác ở hầu hết các địa phương, nhưng nặng nhất là hai xã Lộc Thủy, Lộc Tiến. Mấy ngày này, đơn vị cử cán bộ thường xuyên về cơ sở để hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng trừ. Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 500 ha lúa bị bệnh đạo ôn, lem lép hạt, khô vằn... Cán bộ nông nghiệp cũng đã khuyến cáo người dân tăng cường kiểm tra, phát hiện và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh ở Hương Phong (Hương Trà)
Nông dân các xã Vinh Phú, Phú Mỹ (Phú Vang) cũng rất lo lắng trước tình hình sâu bệnh gây hại lúa trên diện rộng. Hàng chục ha lúa của các địa phương trên đang bị bệnh đạo ôn gây hại nặng. Các bệnh khô vằn, lem lép hạt, đốm nâu... xuất hiện với tỷ lệ, mật độ thấp. Người dân đã sử dụng các loại thuốc để bơm phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật nhưng vẫn không triệt để. “Mong rằng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp, hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh hiệu quả”, ông Trần Văn Sinh một nông dân nói.
Mấy ngày này, ông Đoàn Thao, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang trực tiếp về tận cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng trừ sâu bệnh. Ngoài các xã Vinh Phú, Phú Mỹ, bệnh đạo ôn cũng đã xuất hiện và gây hại khá nặng trên nhiều cánh đồng ở các xã Phú Thanh, Vinh Xuân, Phú Đa... Dự báo thời gian đến, các loại sâu bệnh tiếp tục sinh sôi, lây lan diện rộng. Thời tiết diễn biến phức tạp, ngày nắng, ban đêm, sáng sớm có sương mù, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển, lây lan nhanh.
 
Tích cực triển khai các biện pháp
Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh thông tin, đến nay bệnh đạo ôn gây hại gần 600 ha lúa trên toàn tỉnh, tăng 215 ha so với cùng kỳ năm trước. Nhiều diện tích bị nhiễm nặng tỷ lệ 10-20%, có nơi cao 30-50%. Tại các xã Hương Phong, Hương Vinh (TX Hương Trà), các Hợp tác xã Tây An, Thống Nhất (TP Huế), các Hợp tác xã Thủy Thanh 2, Thủy Phù 2, Thủy Tân (TX Hương Thủy), tình hình sâu bệnh đang diễn biến phức tạp, trong đó bệnh đạo ôn gây hại khá nặng. Ngoài bệnh đạo ôn, trên địa bàn tỉnh có đến hàng ngàn ha lúa đang nhiễm các loại sâu bệnh lem lép hạt, khô vằn, cuốn lá nhỏ, rầy, bọ trĩ...
Nguyên nhân sâu bệnh xuất hiện sớm hơn so với nhiều năm là do năm vừa qua ít lũ lụt nên mầm bệnh tồn tại trên nhiều cánh đồng. Nhiều diện tích ở các vùng cát kém phù sa, lúa kém phát triển, đề kháng thấp là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại. Ngoài sâu bệnh, ốc bươu vàng và chuột cũng đang phá hoại mùa màng. Diện tích bị chuột gây hại khoảng 100 ha, tỷ lệ 3-5%, nơi cao trên 10%, tập trung ở các xã Thủy Vân, Thủy Phù, Thủy Thanh (TX Hương Thủy), các Hợp tác xã Tây Toàn, Đông Toàn, Hương Vinh, La Chữ (TX Hương Trà). Tình hình chuột gây hại đang tiếp tục gia tăng. Ốc bươu vàng gây hại diện tích khoảng 55 ha, mật độ 3-30 con/m2, chủ yếu ở các xã Lộc Điền, Lộc An (Phú Lộc)...
Ông Cái Văn Thám khuyến cáo các địa phương, người dân tăng cường phun thuốc phòng trừ tại các chân ruộng đang nhiễm bệnh. Sau khi phun 2-3 ngày, tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình, nếu bệnh ngừng phát triển cần chăm sóc lúa phục hồi, trường hợp bệnh không giảm thì tiến hành phun lần 2 nhằm ngăn chặn bệnh nhiễm nặng và lây lan diện rộng. Nông dân cần thường xuyên bám đồng, tích cực triển khai các biện pháp bẫy, diệt chuột, bắt ốc bươu vàng một cách triệt để, tránh gây hại nặng. Cán bộ bảo vệ thực vật thường xuyên phối hợp với các địa phương, duy trì việc điều tra, sớm phát hiện các loại sâu bệnh gây hại để có biện pháp khống chế, hướng dẫn nông dân xử lý kịp thời.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Chủ động ứng phó diễn biến xấu của thời tiết

Sáng 19/12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh gửi thông báo đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã và TP. Huế; các chủ hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trong tỉnh chủ động các phương án ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết.

Chủ động ứng phó diễn biến xấu của thời tiết
Trợ lực giúp nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Năm 2024, trên địa bàn huyện Phú Lộc có gần 4.850 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi. Điều này phản ánh thực tế những nỗ lực của hội viên, nông dân (HVND) trên địa bàn trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Trợ lực giúp nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Return to top