ClockThứ Hai, 29/07/2019 09:45

Bất cập quản lý chất cấm trong nông nghiệp - Kỳ 1: Mua thuốc cấm dễ như... mua rau

TTH - Dù nhiều loại hoạt chất độc hại, gây ung thư trong thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã cấm lưu hành, loại khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam nhưng đến nay vẫn còn tình trạng kinh doanh và nhiều nông dân sử dụng.

Không chủ quan với chất thải nguy hạiMỗi ngày, Việt Nam chi hơn 52 tỷ đồng mua thuốc trừ sâu, một nửa là hàng Trung Quốc

Đến các đồng ruộng tại nhiều địa phương, dễ dàng bắt gặp các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV, trong đó một số loại chứa hoạt chất độc hại như 2,4-D và Paraquat… bị cấm lưu hành được nông dân xả bừa bãi trên những bờ đê.

Phát hiện thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất 2,4-D tại đồng ruộng xã Hương Phong

 

Vẫn còn phổ biến

Được một nông dân “chỉ đường”, chúng tôi đến hỏi mua thuốc chứa hoạt chất 2,4-D và Paraquat tại một đại lý thuốc BVTV ở Bao Vinh, xã Hương Vinh (TX. Hương Trà). Chủ đại lý này tỏ ra cảnh giác, ngập ngừng, rồi bảo các loại thuốc này đã hết. Sau đó tôi nhờ một nông dân “mối ruột” của đại lý này đến hỏi mua liền được chủ đại lý mang thuốc ra bán.

Chỉ tay lên tủ đựng thuốc BVTV, bà P.T.V, chủ cửa hàng bán thuốc BVTV ở chợ Hương Cần, xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) bảo: “Anh nhìn thấy đó! Không có loại thuốc nào chứa chất cấm, không được phép lưu hành (!?)”.

"Vậy các loại thuốc có chứa chất cấm trước đây được phép kinh doanh và người dân sử dụng thường xuyên, phổ biến như Paraquat, 2,4-D… được cửa hàng xử lý như thế nào, giao nộp ở đâu, cho ai?" - tôi hỏi. Bà Vui tỏ ra lúng túng! Trong khi nhiều nông dân ở Hương Toàn, Hương Phong… thừa nhận, hiện nay vẫn còn sử dụng các loại thuốc Paraquat, 2,4-D… để diệt cỏ được mua từ cơ sở này.

Ông Đặng Duy Trung ở xã Hương Phong (TX. Hương Trà) khẳng định, hiện nay chưa có bất cứ loại thuốc BVTV nào có thể diệt cỏ hiệu quả như 2,4-D và Paraquat… Dù biết đây là các loại chất cấm, độc hại nhưng vẫn là sự lựa chọn “cực chẳng đã” đối với nhiều nông dân. Anh Trung tiết lộ, các loại thuốc này không chỉ bán ở các đại lý, cửa hàng lớn mà còn bán nhỏ lẻ tại một số hộ dân trong thôn, xã.

Thật sự không khó để khẳng định vẫn còn tồn tại một số loại thuốc có chứa hoạt chất độc hại đã bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, khi trên các bờ đê, ruộng đồng tại nhiều địa phương, người dân xả thải một lượng lớn bao bì, chai lọ thuốc BVTV; trong đó có hai loại có chứa chất cấm, độc hại là Paraquat, 2,4-D...

Đến mùa mưa lũ, hầu hết các bao bì, chai lọ này trôi dạt vào khu dân cư, nhà dân gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Thuốc BVTV có chứa hoạt chất Paraquat được phát hiện tại đồng ruộng xã Hương Toàn

Tác nhân gây ung thư

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, ông Hồ Đắc Thọ cho rằng, bất cứ loại thuốc trừ sâu, hay diệt cỏ nào đều cũng chứa hoạt chất độc hại, nhưng vì mục đích phục vụ sản xuất nên Nhà nước vẫn cho phép sử dụng nhiều loại thuốc BVTV. Tuy nhiên các nhà sản xuất, kinh doanh và người dân phải tuân thủ các quy định, tuyệt đối không lưu hành và sử dụng các loại thuốc hết hạn, thuốc giả, thuốc cấm, cũng như không nên lạm dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất.

Ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, từ rất lâu, hoạt chất 2,4-D thường dùng để diệt cỏ chét, cỏ lác, còn Paraquat diệt cỏ trên cạn, trên đồi... Hai chất này rất độc hại, có thể gây ung thư, quái thai... khi tiếp xúc trực tiếp, hay tồn dư trong sản phẩm, môi trường. Nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng các loại thuốc có chứa hai hoạt chất này.

Ông Hồ Đắc Thọ khẳng định, mức độc hại của các thuốc trừ cỏ có chứa hai hoạt chất 2,4-D và Paraquat đã được cảnh báo từ lâu. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo và nghiên cứu ở nhiều nước, kết luận hoạt chất 2,4-D có khả năng gây một số bệnh cho động vật và con người, như đau và hỏng mắt, ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào máu, làm tăng nguy cơ ung thư bạch huyết ở người, sử dụng lâu dài ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nội tiết và hệ miễn dịch.

Hoạt chất Paraquat có khả gây ảnh hưởng đến chức năng phổi, thận, tim; bị phơi nhiễm trực tiếp qua đường da, đường hô hấp trên, hay đường miệng có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong mà không có thuốc giải độc. Các nghiên cứu về môi trường, hệ sinh thái cho thấy, theo phân loại, Paraquat xếp vào nhóm rất độc với thuỷ sinh, để lại hậu quả lâu dài, đặc biệt gây ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn.

Thuốc trừ sâu sử dụng trong sản xuất cần được quản lý chặt chẽ

Với quan điểm chủ động bảo vệ sức khỏe của con người, vật nuôi, môi trường, không mạo hiểm xem thường tính mạng, đồng thời hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, năm 2017 Bộ NN&PTNT đã quyết định loại bỏ thuốc BVTV có chứa các hoạt chất độc hại ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam.

Loại nhiều thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi danh mục sử dụng 

Ngoài hai hoạt chất cực độc 2,4-D và Paraquat, năm 2017, Bộ NN&PTNT quyết định loại các thuốc BVTV có chứa hoạt chất Trichlorfon, Carbendazim, Benomyl và Thiophanate-methyl; sau một năm, Bộ tiếp tục có quyết định loại bỏ các thuốc BVTV có chứa các hoạt chất: Acephate, Diazinon, Malathion và Zinc phosphide ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng. Đầu năm 2019, Bộ quyết định loại thêm các thuốc BVTV có chứa các hoạt chất: Glyphosate, Chlorpyrifos Ethyl, Fipronil ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

(Còn nữa)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp
Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và khí hậu đặc trưng của vùng núi A Lưới, xã Quảng Nhâm đã được chọn là một trong những địa bàn trọng tâm để phát triển vùng trồng dược liệu. Trong tổng diện tích 210ha của dự án tại huyện, xã Quảng Nhâm chiếm 60ha, trong đó cây gấc đóng vai trò chủ lực.

Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

TIN MỚI

Return to top