Cháy “nám” trên ruộng
Ngay từ đầu vụ đông xuân, nhiều diện tích lúa đã bị ảnh hưởng do mưa lớn, triều cường. Đến nay, thời tiết tiếp tục diễn biến “oái oăm” ngày nắng, đêm lạnh, sương nhiều khiến các loại sâu bệnh, sinh vật gây hại phát triển mạnh, trong đó bệnh đạo ôn đang làm hàng trăm ha lúa bị nhiễm bệnh, có một số diện tích bị mất trắng.
Nông dân Quảng Lợi (Quảng Điền) cùng cán bộ HTX Thắng Lợi trên cánh đồng bị bệnh đạo ôn
Tại HTX Thắng Lợi (Quảng Lợi, Quảng Điền), hàng năm đưa vào sản xuất 195ha lúa/vụ với cơ cấu giống như Ma Lâm 48, Khang dân, TH5. Ông Hà Tân, Giám đốc HTX NN Thắng Lợi cho biết: “Trong khi các giống đưa vào cơ cấu của HTX đều kháng bệnh đạo ôn khá tốt thì 2 mẫu giống SV181 được bà con tự đưa vào trồng trên đồng ruộng ven đầm phá lại bị nhiễm bệnh đạo ôn khá nặng, nhiều diện tích mất trắng hoàn toàn”. Theo ông Tân, đây là giống lúa mới, có chất lượng khá cao nhưng không nằm trong cơ cấu giống của địa phương. Tuy nhiên, khi thấy năng suất khá, hạt gạo ngon và thời gian sinh trưởng ngắn (83-90 ngày), nên nhiều hộ dân đã tự động mua tại trại giống của HTX Nam Vinh để đưa vào sản xuất trên đồng ruộng, dẫn đến không chủ động trong khâu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Tại cánh đồng của HTX Thắng Lợi, với 2 mẫu giống lúa SV181 đang bị “cháy nám” lỗ chỗ nhiều nơi. Nhiều thửa ruộng cây lúa bị khô quắn, cháy vàng héo rũ. Anh Phạm Phú, một hộ nông dân cho biết: “Từ vụ hè thu, thời tiết khô ráo nên giống SV181 đưa vào sản xuất khá thành công, cho năng suất lúa đạt trên 3 tạ/sào, chất lượng gạo thơm ngon. Đến vụ đông xuân tui đưa vào sản xuất 8 sào thì gần hết đều bị nhiễm đạo ôn lá, có nơi “nặng” không thể cứu chữa được mặc dù đã phun thuốc 4 lần theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp”.
Ông Phú cùng nhiều hộ dân trồng giống SV181 đều bỏ khá nhiều kinh phí khi sản xuất giống SV181. Bởi, với giá lúa giống cao lên đến 22 nghìn/kg, chất lượng gạo ngon, bà con đưa vào sản xuất nhưng không nắm vững kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, cũng như việc phát hiện bệnh muộn dẫn đến phòng trừ không hiệu quả. “Khi khởi bệnh, HTX cùng trạm trồng trọt và BVTV huyện đã hướng dẫn bà con phun thuốc phòng trừ như Fuji-one, Fami… với liều lượng 20gram/sào. Tuy nhiên, thời điểm phát bệnh gặp thời tiết lạnh, sương mù nhiều nên không thể phun kịp thời được. Đến nay đã phun tới lần thứ tư vẫn không cứu được nhiều diện tích lúa bị nhiễm”, ông Hà Tân cho biết.
Tại một số địa phương như huyện Phú Vang, Hương Thủy, Nam Đông, bệnh đạo ôn lá đang hoành hành trên nhiều diện tích lúa đông xuân, tuy nhiên mật độ nhẹ hơn, trên các loại giống như HT1, TH5, Khang dân... Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (TT&BVTV), tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn với tỷ lệ từ 5-40%. Trong đó, nặng nhất là các xã như Lộc Điền (Phú Lộc), Hương Phú (Nam Đông), Quảng Lợi (Quảng Điền) với tỷ lệ bệnh 30-40%, bệnh cấp 5-7.
Tích cực phòng chống
Ông Phạm Minh Tư, Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Quảng Điền cho biết, các vùng chân ruộng pha cát ở một số địa phương như Quảng Lợi, Quảng Thái hàng năm, tỷ lệ bệnh đạo ôn thường khá cao. Năm nay thời tiết nắng ban ngày, mưa lạnh, sương nhiều ban đêm, nhiệt độ trung bình 25 độC, nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều sâu bệnh phát triển mạnh, trong đó có bệnh đạo ôn; ở vùng ruộng có chân đất cát, cạn và công tác chăm sóc, thăm đồng của bà con không thường xuyên dễ tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn lá bùng phát mạnh. Các chân ruộng sâu, khi bón đạm dồn dập, phân lắng xuống thì cuối vụ bệnh đạo ôn cổ bông cũng dễ phát triển.
Xã viên HTX Thắng Lợi (Quảng Lợi, Quảng Điền) lo lắng vì lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn
“Do vậy, Trạm TT&BTVT đã có hướng dẫn cụ thể các HTX, bà con nông dân trên địa bàn trong điều kiện những diện tích nhiễm bệnh đạo ôn thì không để ruộng khô nước, không bón bất cứ một loại phân nào và hướng dẫn biện pháp phòng trừ phun thuốc hiệu quả từ khi chớm bệnh. Trong đó, khuyến cáo bà con nông dân đối với bệnh đạo ôn lá thì phải phun thuốc ngay ban đầu còn với đạo ôn cổ bông (khi cây lúa đã làm đòng) phải có biện pháp phun thuốc phòng chống từ trước; thời gian phun thuốc phải chiều tối vì bệnh phát triển chủ yếu vào ban đêm”, ông Tư khẳng định.
Ông Dương Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy cho biết, với giống SV181 trước đây có triển khai ở địa phương như HTX Thủy Lương với diện tích 2,5 sào. Tuy nhiên, sau quá trình đưa vào sản xuất, mặc dù nhiều tính năng vượt trội so với nhiều giống thông thường nhưng khả năng kháng bệnh đạo ôn kém hơn nên bà con không còn sản xuất nữa. Hiện tại, Phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy đang hướng dẫn các HTX, bà con nông dân tích cực phòng trừ bệnh đạo ôn trên cây lúa.
Ông Cái Văn Thám, Chi cục Trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh khẳng định, từ đầu tháng 3/2017, chi cục đã có công văn gửi các địa phương về việc chỉ đạo quản lý và phòng trừ sinh vật gây hại lúa vụ đông xuân 2016-2017. Trong đó, tiếp tục hướng dẫn các HTX triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, trừ bệnh đạo ôn để hạn chế mật độ và giảm thiệt hại cho cây lúa, nhất là giai đoạn làm đòng và trổ, chín; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng nhằm phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và hướng dẫn phòng trừ ngay từ diện hẹp.
Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, ngoài bệnh đạo ôn, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 300 ha lúa bị ốc bưu vàng gây hại tập trung ở các địa phương như Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền với mật độ 1-6 con/m2. Chi cục đã hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng trừ. |
Hà Nguyên