Chủ Nhật, 29/10/2023 07:40
(GMT+7)
Cần xem lại sức cạnh tranh
TTH - Tại hội nghị “Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) tổ chức giữa tháng 10 rồi, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, dẫn thống kê từ Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: “Ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn mỗi năm, chưa kể mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại nhập lậu”.
|
Mô hình trang trại gà nuôi kết hợp trồng cây ăn quả ở Thừa Thiên Huế |
Con số thống kê nói trên làm cho chúng ta băn khoăn. Lý do là chính độ tin cậy của nó. Nhập tiểu ngạch và nhập lậu là hai khái niệm khác nhau, không thể “dồn một cục” được. Cho nên chúng ta cũng không biết con số nhập lậu chính xác là bao nhiêu?
Tuy nhiên, một thông tin khác có thể hé mở ra một số điều - từ tháng 7 đến tháng 10/2023 riêng lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ 31 vụ nhập lậu gia cầm, xử phạt hành chính 214 triệu đồng. Cứ giả sử tình trạng nhập lậu chỉ chiếm vài mươi phần trăm thì con số bắt giữ ở Lạng Sơn vẫn là con số nhỏ.
Những thông tin trên cho thấy rằng, cuộc chiến chống buôn lậu nói chung và gia cầm nói riêng vẫn còn hết sức cam go. Tức là nhập lậu vẫn cứ đều đặn “chảy vào” Việt Nam nhưng không phát hiện được.
Để phát triển ngành gia cầm trong nước, Bộ NN và PTNT tìm kiếm giải pháp này, giải pháp kia nhưng một giải pháp là làm sao chặn đứng tình trạng nhập lậu thì có vẻ như chưa hiệu quả.
Vì sao tình trạng nhập lậu không chặn đứng được hoặc hạn chế ở mức thấp hơn nữa? Có thể giải quyết vấn đề này ở một số khâu: Nếu những điều khoản trừng phạt tình trạng nhập lậu chưa đủ sức răn đe thì phải tăng nặng hơn nữa mức xử phạt. Có thể họ buôn lậu trót lọt được vài vụ nhưng chỉ cần một vụ bị phát hiện và xử lý, có thể lợi nhuận sẽ bị bào mòn, thậm chí là âm vốn, như thế tính răn đe của pháp luật sẽ được nâng cao hơn. Khi đó người muốn buôn lậu, dù là lợi nhuận lớn cũng đắn đo chuyện được mất. Điều này có thể góp phần ngăn chặn tình trạng nhập lậu.
Một nguyên nhân khác thuộc về lực lượng chống buôn lậu. Nếu như lực lượng thực thi chống buôn lậu chưa đủ sức bao phủ thì phải xem xét thấu đáo để tăng cường. Nếu lực lượng chức năng “chưa trong sáng” (rất có thể xảy ra) trong việc thực thi công vụ thì phải có giải pháp để họ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, thậm chí là loại trừ những người không đủ phẩm chất để… làm gương. Chỉ cần một bộ phận nhỏ của lực lượng thực thi công vụ, lợi dụng việc thực thi công vụ để trục lợi cá nhân thì tình trạng buôn lậu khó mà chấm dứt được.
Đúng là tình trạng buôn lậu có thể làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước. Nhưng mặt khác, chúng ta phải cần xem lại sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm trong nước. Buôn lậu là hành vi bị cấm. Nhưng sản phẩm của buôn lậu là sản phẩm thực. Một sản phẩm nào đó có thể là giả nhưng như gia cầm giống thì không thể giả được. Phải nhìn nhận thử họ sản xuất thế nào mà vừa qua các chi phí nhập khẩu (cứ cho là chính thống đi), rồi chi phí vận chuyển thế nào, nhưng vào nước ta vẫn đủ sức cạnh tranh được. Có cạnh tranh được họ mới nhập, kể cả nhập lậu. Vừa tăng cường chống buôn lậu nhưng đồng thời cũng phải xem xét lại các yếu tố để đảm bảo tính cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm trong nước. 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng gia cầm của cả nước ước đạt 1,74 triệu tấn. So sánh với con số 200.000 – 250.000 tấn vẫn là con số nhỏ. Nghĩa là sức tác động đến thị trường không nhiều. Nói như thế để thấy rằng, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước phải nhìn lại chính mình. Mình sản xuất con giống thế nào mà họ vận chuyển vào nước ta với bao nhiêu thủ tục, bao nhiêu chi phí… mà vẫn cạnh tranh được?
Bài: Nguyên Lê - Ảnh: Ngọc Hòa