ClockThứ Sáu, 12/01/2024 12:07

Chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh

TTH - Trong điều kiện dịch bệnh đang hoành hành thì chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), hữu cơ là hướng đi tất yếu đối với các tổ chức, hộ cá nhân.

Nông nghiệp hữu cơ “bén rễ” với vùng cao A LướiNhiều mô hình khuyến nông cần nhân rộngAnh Teo “mô hình”Tăng cường hợp tác với Thừa Thiên Huế trên lĩnh vực nông nghiệpNông dân A Lưới đầu tư chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ

 Một trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở Quảng Điền

Mới đây, hàng chục con heo nái, heo thịt tại trang trại ông Nguyễn Lực ở rú cát Quảng Điền bị chết, nghi dịch tả lợn châu Phi; hàng trăm con bò ở huyện miền núi A Lưới bị dịch lở mồm long móng gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi tại các địa phương.

Mặc dù bước đầu cơ bản được khống chế, nhưng chưa hẳn đã triệt để, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn tại các trang trại, gia trại chăn nuôi, trong môi trường, ổ dịch cũ có nguy cơ tái bùng phát, lây lan bất cứ lúc nào. Điều này đòi hỏi ngành chăn nuôi, thú y và các hộ chăn nuôi không thể chủ quan, lơ là trong phòng ngừa dịch bệnh.

Ngoài các biện pháp tiêu độc khử trùng, tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh là điều bắt buộc thì chăn nuôi theo hướng ATSH, hữu cơ được xác định là hướng đi tất yếu, phù hợp trong điều kiện ứng phó dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Thời gian qua, Tập đoàn Quế Lâm và một số tổ chức, cá nhân đã tổ chức sản xuất chăn nuôi lợn, bò theo hướng hữu cơ, ATSH bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, mà còn hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra dịch bệnh nguy hiểm hiện nay, như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, lợn tai xanh...

Thông qua mô hình chăn nuôi của Quế Lâm đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân thay đổi tư duy trong sản xuất, sử dụng nông sản hữu cơ, sạch, an toàn. Nhiều hợp tác xã và hộ dân đã chuyển đổi từ tập quán sản xuất vô cơ, nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn. Nhiều người tiêu dùng cũng bước đầu tìm đến các sản phẩm hữu cơ, sạch, an toàn.

Tập đoàn Quế Lâm đã hình thành các chuỗi mô hình nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn có hiệu quả, trong đó có chăn nuôi gia súc. Chuỗi giá trị chăn nuôi lợn hữu cơ của Quế Lâm thu hút hàng trăm hộ gia đình với tổng đàn lợn trên 3.500 con, trong đó lợn nái gần 500 con và lợn thịt trên 3.000 con. Đặc biệt, năm 2023 đã liên kết với các hộ ở huyện miền núi A Lưới triển khai thí điểm chăn nuôi 40 con bò hữu cơ và tại Tổ hợp 4F.

Ông Nguyễn Lực, chủ trang trại trên rú cát Quảng Điền cho rằng, với phương thức chăn nuôi hiện nay không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng thấp mà còn có nguy cơ mất an toàn. Đã đến lúc phải chuyển đổi nhận thức, mô hình chăn nuôi thông thường theo hướng hữu cơ, ATSH. Ông Lực đang tìm đối tác để hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật, nguồn giống, thức ăn và hình thức bao tiêu sản phẩm trước khi triển khai mô hình chăn nuôi hữu cơ, ATSH.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế hiện nay. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh bước đầu xuất hiện một số mô hình chăn nuôi hữu cơ, ATSH có sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ cao của các doanh nghiệp, hộ gia đình mang lại hiệu quả. Hầu hết các mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn trong quá trình sản xuất không xảy ra dịch bệnh.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 406 trang trại (TT) chăn nuôi có quy mô lớn và vừa theo hướng hữu cơ, ATSH, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 14 TT chăn nuôi quy mô lớn, 75 TT quy mô vừa và 317 TT quy mô nhỏ… Đáng kể đến là có 42 hộ và hai hợp tác xã đang hợp tác, phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ, ATSH, liên kết theo chuỗi giá trị với 300 con lợn nái, 6.000 con lợn thịt; một TT lợn hữu cơ tại Tổ hợp chăn nuôi 4F với quy mô 100 con lợn nái, 2.200 con lợn giống, lợn thịt. Trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 30 cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, liên doanh, liên kết với các công ty theo chuỗi giá trị như Công ty Mavin, 3F Việt, Quế Lâm, Bảo Nguyên, Lam Điền, Hoàng Vân, C.P. Việt Nam, Greenfeed.

Để đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, từ đầu năm 2023, các huyện, thị xã, TP. Huế thành lập tổ kiểm tra, rà soát, thống kê để thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi thiếu an toàn, hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi năm 2023. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 47 trại, 1.550 hộ chăn nuôi quy mô nhỏ buộc phải di dời…

Khó khăn lớn đối với các ban, ngành hiện nay là nguồn kinh phí thực hiện các mục tiêu, dự án phát triển chăn nuôi an toàn thí điểm và nhân rộng mô hình hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Riêng kế hoạch năm 2023, đến nay tỉnh chưa cấp kinh phí để triển khai thực hiện đề án phát triển đàn bò chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị tỉnh sớm cấp kinh phí để các ban, ngành triển khai đề án trong năm 2024 với chỉ tiêu thụ tinh nhân tạo 2.400 con bò lai chất lượng cao. Một số huyện, thị xã đã triển khai thực hiện 8 mô hình chăn nuôi bò, trồng 13,6ha cỏ để phục vụ nguồn thức ăn tươi.

Chăn nuôi hữu cơ, ATSH là mục tiêu hướng đến, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC. Ngành chăn nuôi, thú y phấn đấu năm nay và thời gian tiếp theo không để xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn GSGC. Đối với tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, phấn đấu đạt 100% kế hoạch. Hầu hết những nơi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, chợ buôn bán, nơi thu gom, cơ sở chăn nuôi và giết mổ và các phương tiện vận chuyển GSGC đều được vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Cơ quan thú y tổ chức kiểm tra lâm sàng, kiểm soát giết mổ chặt chẽ, kiểm dịch tận gốc và giám sát việc nhập GSGC giống phục vụ phát triển chăn nuôi an toàn.

Bài, ảnh: Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc
Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ

TIN MỚI

Return to top