Sản xuất nông nghiệp - một nghề phổ biến tại thị trường xuất khẩu lao động
Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho rằng, trong điều kiện đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn thì xuất khẩu lao động (XKLĐ) là cơ hội lớn cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên tình hình XKLĐ ở địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập.
Quảng Công là một trong những địa phương có số lượng lao động xuất khẩu cao nhất toàn huyện với 9 người tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay. Theo ông Duận, dù đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động hưởng ứng chủ trương XKLĐ nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về thông tin, thủ tục vay vốn cũng như hiệu quả XKLĐ. Một bộ phận người dân muốn XKLĐ thì không biết ngoại ngữ, tay nghề chưa cao, hoặc chưa phù hợp với nhu cầu thị trường tuyển dụng. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhu cầu XKLĐ dù biết ngoại ngữ nhưng không có chuyên môn, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; bởi lao động xuất khẩu sang thị trường nước ngoài chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Vinh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách-Xã hội huyện Quảng Điền chia sẻ, phía ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, nhất là XKLĐ theo chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên các đối tượng có nhu cầu vay vốn cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định về hồ sơ, thủ tục theo quy định. Vừa qua, có một số trường hợp vay vốn XKLĐ nhưng chưa đáp ứng các thủ tục theo quy định nên ngân hàng không thể giải ngân; các trường hợp này cần liên hệ ngân hàng để được hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để được giải quyết.
|
Trở ngại của Quảng Công cũng là thực trạng chung của các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Điền. Ông Nguyễn Tuấn Anh, đánh giá, mặc dù số lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong 10 tháng đầu năm nay tăng so với những năm trước nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về lực lượng lao động của huyện, nhất là lao động trẻ. Một số rào cản có thể thấy là kinh phí người dân còn khó khăn, trình độ ngoại ngữ, văn hóa, tay nghề… chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tâm lý một bộ phận người lao động vẫn muốn tham gia làm việc tại thị trường các nước có mức thu nhập cao, như Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng chỉ tiêu tuyển dụng rất ít, lại yêu cầu khắt khe. Trong khi đó, trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỹ luật lao động của người dân còn thấp, chưa chịu khó học tập, rèn luyện nên số lượng lao động trúng tuyển rất thấp.
Việc thông tin, tuyên truyền đã được triển khai sâu rộng, thực hiện dưới nhiều hình thức nhưng hiệu quả còn thấp. Lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền nên người dân chưa nắm bắt thông tin về các thủ tục, chính sách hỗ trợ, chưa ý thức tầm quan trọng và hiệu quả của XKLĐ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị, cần có cơ chế hỗ trợ người lao động khi đi nước ngoài làm việc được vay vốn ưu đãi khi có đầy đủ các thủ tục hợp lệ, như hợp đồng với các công ty xuất khẩu, visa, lịch bay... HĐND huyện Quảng Điền có chủ trưởng bổ sung nguồn kinh phí hằng năm từ ngân sách huyện để hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động khi mới bắt đầu làm việc ở nước ngoài, mức hỗ trợ từ 7-10 triệu đồng/người. Song mức hỗ trợ này chỉ mới giải quyết được khó khăn ban đầu. Về lâu dài vẫn cần những hỗ trợ khác lớn hơn từ phía tỉnh và các cơ quan liên quan để người lao động có thêm cơ hội việc làm ở các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Đài Loan...
Bài, ảnh: Hoàng Triều