|
Sản xuất rau sạch theo hướng Vietgap tại Quảng Thành
|
Bằng việc ứng dụng công nghệ lai, đưa giống mới vào thử nghiệm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Trong đó, việc thực hiện hiệu quả đề án nạc hoá đàn lợn giai đoạn 2011-2015 góp phần tăng chất lượng đàn vật nuôi, tỷ lệ nạc tăng, chiếm 36% tổng đàn lợn nái. Việc ứng dụng các mô hình chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi công nghiệp tiên tiến tạo nguồn thu lớn cho các trang trại tại địa phương. Hiện, toàn huyện có 23 trang trại có thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Khi mới lên vùng rú cát lập nghiệp, gia đình ông Hồ Thành, xã Quảng Vinh (Quảng Điền) mất khá nhiều thời gian tìm kiếm hướng đi thoát nghèo với mô hình trang trại. Sau khi được các cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, cán bộ Trường Đại học Nông lâm Huế... hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu nhiều loại vật nuôi cho giá trị kinh tế cao, ông Thành chọn hướng chăn nuôi lợn siêu nạc và nuôi gà bằng đệm lót sinh học. Ông Thành cho hay: “Nhờ áp dụng những biện pháp kỹ thuật cũng như phòng bệnh nên rất ít xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, doanh thu mỗi năm của trang trại đạt trên 4,5 tỷ đồng”.
Là địa phương có địa hình thấp trũng, nhiều diện tích đất nông nghiệp phải bỏ hoang do đất nhiễm phèn, nhiễm mặn. Vì thế, việc đưa những giống lúa có khả năng chống chịu với hạn mặn được coi là lựa chọn hàng đầu trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Trong đó, việc đưa vào khảo nghiệm thành công giống lúa RVT trên diện tích đất nhiễm mặn ven phá được xem là thành công lớn.
Đánh giá về hiệu quả của giống lúa mới này, ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho hay: “Trong vụ đông xuân 2014-2015, huyện đưa vào gieo cấy 22 ha giống lúa RVT. Thực tế sản xuất cho thấy, giống lúa RVT có khả năng chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh hại chính như: sâu đục thân, rầy nâu, khô vằn, bạc lá, năng suất đạt 58 tạ đến 60 tạ/ha. Giống lúa RVT có chất lượng cơm ngon, mềm, dẻo có vị đậm và khả năng chịu mặn tốt, rất phù hợp với chất đất ở các xã ven biển đầm phá của huyện Quảng Điền. Ngoài ra, giá bán khoảng 6.000 đồng/kg cao hơn 1.000 đồng so với các giống lúa khác. Nhờ đó, hiệu quả trong gieo trồng rất cao. Ngoài giống lúa RVT, hằng năm, huyện còn phối hợp với các công ty giống tổ chức khảo nghiệm các giống lúa chất lượng đưa vào gieo cấy thay thế dần những giống lúa năng suất, chất lượng thấp và đã thành công với nhiều giống lúa mới như: NA2, HN6, Thiên ưu 8, BT9, ĐB18...”.
Việc thực hiện thành công mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng rau an toàn tại xã Quảng Thành được xem là bước tiến quan trọng. Kết quả thu được từ mô hình tạo tiền đề triển khai dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học tổ chức sản xuất rau an toàn theo hướng Vietgap tại nhiều địa phương trên địa bàn. Trong năm 2015, từ nguồn hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và dự án Lucxembourg nhiều loại rau màu mới được đưa vào thử nghiệm và bước đầu được nhân rộng trên địa bàn như: hành lá, rau mùi.
Theo ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, những năm qua, huyện chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN trên lĩnh vực nông nghiệp. Từ nguồn kinh phí hoạt động KHCN, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội.