ClockThứ Sáu, 17/02/2023 06:45

Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới

TTH - Hàng ngàn máy cày, máy thu hoạch lúa gặt đập liên hợp hiện đại được các hợp tác xã, người dân mua sắm, ứng dụng vào sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng trước yêu cầu trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay.

Cơ giới hóa nông nghiệp, thân thiện môi trường

Cày đất bằng máy cơ giới

Mới chỉ mô hình trình diễn

Sạ lúa được xem là bước tiến mới giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và giải phóng sức lao động cho nông dân. Phương thức gieo sạ lúa nhanh gọn, kịp thời vụ, hạn chế tối đa nguy cơ thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh. Theo bà con nông dân, công sức và thời gian gieo sạ lúa rút ngắn rất nhiều so với gieo cấy. Năng suất, sản lượng lúa gieo sạ cũng cao hơn gieo cấy từ 10-20%.

Tuy nhiên, hạn chế của gieo sạ bằng thủ công như lâu nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, sản lượng lúa so với tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Việc gieo sạ bằng thủ công có thể dẫn đến lúa trên đồng ruộng không đồng đều, chỗ dày, chỗ thưa phải mất công tra dặm và gây lãng phí nguồn giống. Trong vụ đông xuân 2022-2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa vào ứng dụng, thí điểm máy sạ lúa theo cụm, cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, vừa nâng cao năng suất lao động, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Châu Ngọc Phi thông tin, trung tâm phối hợp với Công ty TNHH TM-DV Sài Gòn Kim Hồng tổ chức trình diễn máy sạ lúa theo cụm tại ruộng thử nghiệm ở Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Tân (TX. Hương Thủy) trên diện tích 2ha với giống lúa J02. Nông dân được thực tế quá trình hoạt động của máy sạ và được nhân viên kỹ thuật hướng dẫn cách khởi động, điều khiển máy, điều chỉnh lượng giống gieo sạ theo từng cụm phù hợp từng mùa vụ.

Việc ứng dụng máy sạ lúa theo cụm, ngoài góp phần giảm lượng giống còn giảm lượng phân bón, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Với phương thức gieo sạ tiên tiến này còn góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo do hạt mẩy hơn, sáng, sạch và hiệu quả kinh tế cao hơn. Máy sạ theo cụm giúp giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất làm việc so với phương pháp gieo sạ truyền thống, giúp đẩy nhanh tiến độ xuống giống tập trung.

Tuy nhiên, để nhân rộng thiết bị máy sạ trên địa bàn tỉnh là điều không hề dễ dàng. Người dân chưa thật sự thấy được lợi ích, hiệu quả của công nghệ gieo sạ mới này, một bộ phận còn bảo thủ là trở lại lớn trong việc nhân rộng mô hình. Hiện nay, thiết bị máy móc gieo sạ theo cụm khá phổ biến trên thị trường với mức giá không cao so với máy thu hoạch lúa gặt đập liên hợp. Một phần mới trình diễn thí điểm, phổ biến chưa rộng rãi nên chưa thu hút, tạo động lực cho nông dân và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mua sắm, ứng dụng loại máy gieo sạ hiện đại này.

Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp phối hợp với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ thực vật. Đây là bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp, nhiều tiện ích trong quá trình sản xuất lúa, nhưng đến nay vẫn chưa được người dân, các địa phương ứng dụng rộng rãi.

Mới dừng lại ở khâu làm đất, thu hoạch

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức đánh giá, những năm gần đây, tốc độ cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh tương đối nhanh. Các khâu làm đất, thu hoạch đều ứng dụng thiết bị máy móc, không chỉ nâng cao năng suất lúa, cây trồng mà còn giải phóng sức lao động cho nông dân. Việc ứng dụng cơ giới hóa góp phần gieo cấy, thu hoạch lúa kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ thiệt hại do mưa lũ bất thường.

Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh, thành và xu thế hiện nay, tốc độ ứng dụng cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp yêu cầu mới. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chủ yếu tập trung khâu làm đất, thu hoạch đạt trên 90%, còn lại khâu gieo cấy, sạ giống hầu hết bằng thủ công. Trong khi nhiều nước trong khu vực và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã ứng dụng thành công, rộng rãi các thiết bị máy móc gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái.

Công đoạn phơi sấy lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh lâu nay chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Một số hợp tác xã đầu tư máy sấy lúa, kết hợp chế biến, tiêu thụ sản phẩm chỉ đáp ứng diện tích nhỏ so với 27-28 ngàn ha/vụ. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm và nông dân thiếu chủ động trong sản xuất, thu hoạch khi gặp thiên tai, mưa lũ đến sớm, bất thường.

Một trong những hạn chế, trở lực lớn trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất được ông Đức nêu rõ: Sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Cơ cấu giá trị sản xuất còn phụ thuộc vào lúa gạo nên khi sản xuất lúa gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành, trong đó có khó khăn về đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất.

Trước mắt, ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền những lợi ích từ các thiết bị máy móc, cơ giới hóa khâu gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, phơi sấy, chế biến sản phẩm thông qua mô hình trình diễn và đã ứng dụng vào thực tiễn tại một số hợp tác xã, địa phương. Ngành nông nghiệp cùng với các địa phương khuyến khích, tiếp tục hỗ trợ nông dân, các hợp tác xã tiếp cận các chính sách vay vốn ưu đãi để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, cơ giới hóa trong nông nghiệp, nông thôn.

Mục tiêu đặt ra đối với ngành nông nghiệp thời gian đến là thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, góp phần hướng đến công nghiệp chế biến nông sản, phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics. Theo đó, ngành tập trung đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp
Sản xuất cửa nhựa composite - Nghề mới ở Hương Thủy

Hương Thủy là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và dịch vụ thương mại. Để thúc đẩy ngành nghề CN-TTCN trên địa bàn phát triển, TX. Hương Thủy tiếp tục quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp, tranh thủ các chính sách khuyến công của tỉnh để hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư, đổi mới công nghệ, trang, thiết bị máy móc, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản xuất cửa nhựa composite - Nghề mới ở Hương Thủy
Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và khí hậu đặc trưng của vùng núi A Lưới, xã Quảng Nhâm đã được chọn là một trong những địa bàn trọng tâm để phát triển vùng trồng dược liệu. Trong tổng diện tích 210ha của dự án tại huyện, xã Quảng Nhâm chiếm 60ha, trong đó cây gấc đóng vai trò chủ lực.

Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

TIN MỚI

Return to top