|
|
Nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế |
Là một trong những hộ gia đình khó khăn sinh sống tại xã biên giới Quảng Nhâm, gia đình bà Lê Thị Hồng thôn Pi Ây 2 đã bắt đầu tự chủ trong kinh tế.
Theo bà Hồng, với sự đồng hành của Hội Nông dân, gia đình được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Cụ thể năm 2018, bà được Tổ Tiết kiệm & Vay vốn thuộc Hội Nông dân xã Quảng Nhâm quản lý bình xét cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Từ nguồn vốn và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của hội, bà đã khai hoang và trồng rừng ở khu vực A Sáp, đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, trâu.
Thấy được hiệu quả từ việc tận dụng nguồn vốn ưu đãi, tháng 3/2022, bà tiếp tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi chính sách dành cho các hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn về đầu tư và phát triển kinh doanh. Nhờ nguồn vốn này, gia đình bà từ hộ khó khăn đã có cuộc sống ổn định với thu nhập trên 120 triệu đồng/năm, con cái được học hành.
Cũng như gia đình bà Hồng, anh Trần Văn Nghiệp trú tại thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới đã mạnh dạn tiếp cận nguồn tín dụng chính sách đầu tư trồng 3ha rừng kết hợp với chăn nuôi bò.
Anh Nghiệp bộc bạch, ban đầu thiếu vốn nên mình không biết bắt đầu phát triển kinh tế từ đâu, như thế nào. Chỉ đến khi, các anh chị trong Hội Nông dân đến thăm, giới thiệu về nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội rồi động viên vay vốn để phát triển kinh tế, mình mới mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi, trồng rừng. Đến nay, gia đình đã phát triển ổn định 3ha rừng và đàn bò 10 con. Nhờ đầu tư đúng hướng và sự hỗ trợ tận tình về kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng từ các cơ quan đoàn thể, mà kinh tế gia đình mới dần khấm khá. Nhờ đó, mình cũng mạnh dạn hơn trong mọi quyết định phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng của A Lưới nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung. Tuy nhiên, để thực hiện điều này không hề dễ, khi số lượng hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện rất lớn. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 38,2%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 14,7%. Ngoài ra, trên địa bàn còn có hơn 3.959 nhà chưa đáp ứng các yêu cầu về nhà ở...
Theo ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách A Lưới, với 15 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai, Phòng giao dịch đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng. Trong năm 2022, thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 4.438 lượt hộ vay vốn với số tiền 169,4 tỷ đồng. Tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 49,98% xuống còn 38,2% cuối năm 2022.
Để đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cũng chú trọng trong việc đầu tư vốn cả về chiều rộng và chiều sâu, mức cho vay được nâng dần lên theo nhu cầu thực tế về hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình. Thông qua việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, Phòng Nông nghiệp…. lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho hộ dân, qua đó phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Trong năm 2023, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tập trung giải ngân vốn các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện cũng như Nghị quyết số 11-NQ/HU của Huyện ủy về giảm nghèo bền vững, sớm đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo.