ClockThứ Sáu, 03/04/2015 05:52

Đặc sản gạo

TTH - Công ty Cổ phần Canh nông hữu cơ Việt Nam (CTCPCNHCVN) đã sản xuất thành công gạo hữu cơ có tên là Ngọc Trai, mở ra một trang mới cho hạt gạo trên địa bàn tỉnh.

Giống lúa Ngọc Trai đang giai đoạn chín

Lãi gấp đôi

 

Quy trình sạch

Ông Trương Đình Ngộ cho biết: Giống lúa Huế số 1 hiện được công ty canh tác tại Huế hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, tuân thủ quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt. Không bón bằng bất cứ một loại phân bón hóa học nào; không dùng ngay cả chất hữu cơ có độc tố. Cái mới của qui trình này là sử dụng phân hữu cơ sinh học trên căn bản vi sinh, than hoạt tính theo công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản. Ngoài canh tác loại trừ 100% phân bón hóa học, phân hữu cơ có tính độc, công ty còn áp dụng phương pháp canh tác không sử dụng bất kỳ chất diệt cỏ nào.

Ông Trương Đình Ngộ, Tổng GĐ, Chủ tịch HĐQT CTCPCNHCVN cho biết, từ năm 2013, công ty đã kết hợp cùng nông dân ở các địa phương Sịa, Quảng Vinh (Quảng Điền), Thủy Vân (Hương Thủy), Hương Long (TP. Huế), thực hiện mô hình thí nghiệm, sản xuất 6 ha giống lúa Huế số 1 bằng 100% phương pháp hữu cơ. Qua sản xuất, sự thành công của giống lúa này đã mở ra nhiều hướng đi mới trong sản xuất gạo “sạch” hữu cơ tại Huế.
Ông Nguyễn Văn Quý (thôn Dạ Lê Chánh, xã Thủy Vân) tham gia mô hình trồng giống lúa Huế số 1 cho biết: “Mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ được công ty mang về cho bà con đến nay qua 3 mùa vụ rất phấn khởi. Số “lúa sạch” được nông dân chúng tôi sản xuất, công ty thu mua lại với giá từ 10-15 nghìn/kg, dù chưa cao nhưng do bao tiêu sản phẩm nên bước đầu đã tạo thu nhập ổn định cho hơn 40 hộ dân trên địa bàn tỉnh tham gia mô hình này”. 
Theo ông Quý, trồng giống Huế số 1 lãi gấp 2 lần so với các giống lúa bình thường khác. Ông Quý nhẩm tính: “Vụ Đông Xuân 2013-2014, tôi làm 6 sào giống Huế số 1, canh tác hoàn toàn 100% bằng phương pháp hữu cơ, thu được 2,3 tấn thóc khô, bán được 17 triệu đồng. Trừ công cán, chi phí vật tư còn lãi 14 triệu đồng. Với giống Huế số 1 cho lãi gấp đôi các giống lúa khác”.
Một nông dân đang triển khai mô hình trồng “lúa sạch” của CTCPCNHCVN, ông Đoàn Sào (thôn Khuôn Phò Nam, TT Sịa) phấn khởi cho biết, nhận giống từ công ty về triển khai đến nay thấy cây lúa phát triển tốt. Giống Huế số 1 thời gian sinh trưởng chỉ trong 85 ngày là cho thu hoạch. Giống lúa này có đặc điểm mật độ gié dày, chiều dài nhánh của lúa ngắn hơn, trọng lượng lúa nặng hơn các giống khác. Theo ông Sào, nếu công ty tạo điều kiện, đầu tư sản xuất ổn định, thời gian tới ông sẽ tăng diện tích giống lúa này.
Vụ đông xuân 2014-2015, công ty thử nghiệm ở cánh đồng Thủy Vân bằng phương pháp cấy máy Kupota. Ưu điểm của phương pháp này là cấy rất thẳng hàng, cây mạ cắm sâu tránh rơi vãi, hao hụt. Công ty đã nhập máy sục bùn, cào cỏ mang về Việt Nam cải tiến lại để phù hợp địa hình sản xuất. Khi sử dụng máy cấy xong 1-2 tuần, cỏ trong ruộng lên, bà con nông dân sử dụng máy sục bùn, cào cỏ “đi” ở quanh đường lúa đã cấy, máy cuốn, sục bùn lên, làm cỏ mới mọc bị phơi lên trên bề mặt, khô chết. Khi áp dụng phương pháp này, mỗi cây lúa sẽ hấp thụ đủ ánh nắng mặt trời, quang hợp tốt, phân vi sinh tạo chất kháng cây lúa sinh trưởng tốt, ít bị bệnh, chân lúa không bị vàng.
Qua thực tiễn các địa phương Thủy Vân, Hương Long, Quảng Vinh, Sịa, người dân thực hiện qua 3 mùa vụ tất cả đều bội thu, nhiều nơi bà con sản xuất trở thành nông dân tiêu biểu của tỉnh.
Đặt chân vào khách sạn

Giống lúa Ngọc Trai được ông Trương Đình Ngộ trồng ngay tại nhà

 

Gạo Ngọc Trai được sản xuất từ giống lúa "Huế số 1" (có nguồn gốc từ Nhật Bản, tên là Japonika) được TS. Lê Đình Hường (Trường ĐH Nông lâm Huế) nhập nội và tuyển chọn. Giống này có đặc tính thơm dẻo, được Bộ NN&PTNT cho phép đưa vào sản xuất tại VN.

Nói về thị trường cho loại gạo Ngọc Trai, ông Trương Đình Ngộ cho biết: “Gạo Ngọc Trai là sản phẩm ra đời không nhằm cạnh tranh với người nông dân mà ngược lại, nó sẽ bổ túc vào thị trường nông sản Việt Nam. Trong tương lai gần, sản phẩm gạo Ngọc Trai của công ty muốn hướng đến thị trường cao cấp nhất. Đặc biệt, tại khách sạn quốc tế Metropole Hà Nội, chúng tôi đã đưa sản phẩm gạo Ngọc Trai vào bán với giá 49 nghìn/kg. Tại khách sạn cao cấp này chỉ có gạo Ngọc Trai là mặt hàng nông sản duy nhất của Việt Nam được bày bán bên cạnh các đặc sản các nước.”
Ông Ngộ tiết lộ thêm, vừa qua, công ty cũng đã ký hợp đồng với một khách sạn lớn tại Hà Nội, để đưa sản phẩm gạo Ngọc Trai vào bán. Trong thực đơn 24 sản phẩm của khách sạn, gạo Ngọc Trai được đứng “ngang hàng” với những món ăn nổi tiếng của các quốc gia khác. Hiện, tại Hà Nội có hơn 200 nhà hàng người Nhật, họ rất thích sử dụng loại gạo này. Chỉ cần 10% số nhà hàng đồng ý sử dụng sản phẩm này thôi thì đây cũng là một thị trường tiềm năng rồi.
Theo ông Ngộ, mục đích của công ty muốn đưa gạo Ngọc Trai hướng đến thị trường là các khách sạn, siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh. Tạo thương hiệu cho Huế trên những bàn ăn quốc tế tại Việt Nam. Để làm được công việc đó, phía công ty đã lên chiến lược tuyên truyền cũng như đóng mẫu mã bao bì cho sản phẩm. Ông Ngộ cho biết: “Mỗi bao gạo Ngọc Trai 5kg được đóng là một “tác phẩm” nghệ thuật. Bao làm bằng chất liệu thân thiện môi trường, trên có in hình những cánh đồng sản xuất lúa gạo ở những địa điểm du lịch ở Huế. Du khách nhìn vào bao là biết địa điểm cánh đồng sản xuất loại gạo này”.
Tạo vành đai xanh
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Canh nông hữu cơ Việt Nam, với TP Huế, việc mở rộng diện tích trồng lúa Ngọc Trai bằng phương pháp canh tác hữu cơ 100%, sẽ tạo vành đai xanh cho Huế. Trong một thành phố di sản-du lịch như Huế, nếu những vùng ven của TP Huế trở thành “túi” lương thực an toàn, du khách có thể “lội” xuống ruộng, trải nghiệm làm nông cùng nông dân.
Ông Phan Hồng Khôi, Trưởng phòng Kinh tế TP Huế cho biết, về phát triển nông sản sạch, tạo vành đai xanh cho thành phố Huế, trước mắt thành phố trên tinh thần ủng hộ ý tưởng này. Hiện, đang làm việc với các HTX, chính quyền địa phương để trong thời gian tới có thể cấp đất ở các phường vùng ven cho phía công ty phát triển sản phẩm của mình.

 

Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lúa đông xuân được mùa, được giá

Năng suất lúa đông xuân ước đạt 67,5 tạ/ha, tăng 1,7 tạ so với vụ đông xuân trước được xem là vụ mùa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.

Lúa đông xuân được mùa, được giá
“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn
Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top