Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Vang tập huấn cho người dân Thủy Diện cách phân loại và xử lý rác thải sinh hoại
Từ những đợt tuyên truyền
Nằm ở vùng bãi ngang, người dân Thủy Diện chủ yếu thuộc diện định cư đầm phá. Ý thức bảo vệ môi trường của họ còn hạn chế, thôn lại chưa có điểm trung chuyển nên việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Với rác thải sinh hoạt hàng ngày, người dân thường tự xử lý, bằng cách đốt hoặc đổ bừa bãi ven đường làng, trên đầm phá… Ít ai hiểu sự tiện tay ấy không chỉ làm mất thẩm mỹ khu dân cư mà còn gây tác hại về sức khỏe, bởi họ là người trực tiếp chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, thôn Thủy Diện nhiều lần tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại khu vực trung tâm, trên các tuyến đường chính, dọc bờ sông, hói… nhưng hiệu quả không cao. Chỉ một ngày sau khi ra quân, rác thải lại xuất hiện. Từ thực trạng đó, UBND huyện Phú Vang chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức nhiều buổi tập huấn hướng dẫn bà con phân loại, xử lý rác thải. Nhờ đó, người dân hiểu việc đốt rác khi chưa phân loại theo hình thức thủ công sẽ làm cho các loại chất dẻo như chai nhựa, túi ni lông… cháy không triệt để, sinh ra các khí độc, lan trong không khí gây các bệnh khó thở, viêm đường hô hấp, thậm chí là ung thư.
Việc làm nhỏ, niềm vui lớn
Để tạo điều kiện cho người dân bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, trước khi tổ chức tập huấn, Dự án VIE của Lucxembua phối hợp với UBND huyện hỗ trợ mỗi gia đình 1 bộ xô, thùng đựng rác. Xã còn đầu tư 25 thùng đựng rác dung tích 240 lít bố trí đều các con đường trong thôn để bà con tập trung rác; đồng thời, lập đội thu gom và hợp đồng với nhà xe mỗi tuần 2 lần chuyển rác đến bãi rác Thủy Dương. Được hướng dẫn kỹ và trang bị đầy đủ vật dụng, người dân đồng loạt thực hiện việc phân loại rác. Đối với rác dễ phân hủy, bên cạnh việc tái sử dụng làm thức ăn gia súc, còn được kết hợp với chế phẩm sinh học làm phân xanh bón cho cây trồng… Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế gia đình mà còn hạn chế mùi hôi thối do rác được xử lý trong ngày. Rác khó phân hủy gồm các loại chai nhựa, hộp xốp, túi ni lông… được để riêng chờ đầy thùng sau vài ngày trước khi đội thu gom đến chuyển đi. Cách làm đơn giản, hiệu quả quá rõ nên người dân hưởng ứng rất nhiệt tình.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở thôn Thủy Diện được cải thiện đáng kể. Theo ông Nguyễn Toàn, Trưởng thôn Thủy Diện thì ngay từ buổi tập huấn đầu tiên, bà con đã tham gia đầy đủ. Hiểu được việc làm nhỏ của mỗi cá nhân không chỉ bảo vệ sức khỏe cho bản thân họ mà còn làm đẹp cảnh quan, môi trường khu dân cư nên mọi người thực hiện rất nghiêm túc. Giờ đây, không chỉ trên các con đường mà ngay trên đầm phá ở vùng Thủy Diện cũng không còn rác thải vương vãi. Hy vọng, việc nuôi trồng thủy sản ở đây cũng giảm rủi ro.
Ông Lại Phước Khương, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Vang cho biết: “Từ hiệu quả ở Thủy Diện, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất với UBND huyện để nhân rộng mô hình đến các địa phương khác trên địa bàn huyện”. Từ giờ đến cuối năm, sẽ triển khai tại các thôn còn nhiều rác thải ở xã Phú Xuân như các thôn: Ba Lăng, Xuân Ổ, Quảng Xuyên…
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN