ClockThứ Ba, 27/06/2017 05:51
THỜI TIẾT NẮNG NÓNG:

Đề phòng dịch bệnh trên tôm, cá

TTH - Nắng nóng gay gắt, kéo dài trong thời gian qua khiến thủy sản nuôi tại một số địa phương xuất hiện tình trạng chết rải rác. Nếu không có sự kiểm soát, bảo vệ hiệu quả thì nguy cơ chết hàng loạt rất cao.

 Cần bảo vệ cá nuôi trên các hồ thủy lợi (hồ Khe Lời-Hương Thủy)

Ông Hồ Đình Tiễn, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân (Phú Vang)  thông tin, toàn xã có khoảng 500 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) của trên 800 hộ. Đầu năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, độ PH, độ mặn quá thấp, không đủ điều kiện thả nuôi là lý do vụ nuôi này bị chậm so với thời vụ. Những ngày giữa tháng 6 vừa qua, nhiệt độ cao khiến nguồn nước trong ao nuôi bị nóng dẫn đến thủy sản chậm sinh trưởng, có hiện tượng chết lai rai. Nắng nóng còn kéo dài, trong khi thời điểm này mới chỉ giữa vụ NTTS.

Nuôi tôm chân trắng trên cát cũng đang gặp nhiều khó khăn trước nắng nóng gay gắt, kéo dài trong thời gian qua. Từ đầu năm nay, giá tôm chân trắng tương đối cao nên nhiều hộ ở Ngũ Điền (Phong Điền) bất chấp thời tiết phức tạp đã thả nuôi. Đi dọc tuyến đường quốc phòng từ Điền Hương đến Phong Hải đều bắt gặp cảnh nuôi tôm trên cát khá sôi động. Một số địa phương như Phong Hải, Điền Hương... có tỷ lệ hộ nuôi khá cao, từ 60-80%.

Người dân Phú Xuân vớt cá chết do nắng nóng

Thời điểm này thời tiết diễn biến phức tạp, dễ xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm sú và tôm chân trắng. Bà con cần tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Khi có dấu hiệu dịch bệnh, tuyệt đối không xả nước thải ra môi trường xung quanh, mà báo ngay với chính quyền và các cơ quan quản lý tại địa phương có biện pháp xử lý. Đối với cá nuôi lồng, như cá trắm cỏ và cá diêu hồng, người nuôi cần phòng các bệnh đốm đỏ, xuất huyết. Cần trộn thêm vitamin C, E và men tiêu hóa vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng; treo túi vôi vào các góc lồng để phòng bệnh, di chuyển các lồng cá bị bệnh ra xa các lồng cá khỏe. Bà con thường xuyên xử lý vệ sinh, đảm bảo lưu thông dòng chảy trong lồng nuôi.

Ông Trần Tăng ở xã Điền Hương-một hộ có diện tích nuôi khá lớn gần 2 ha, chia sẻ: “Ở vùng ven biển Ngũ Điền, ngoài đánh bắt hải sản gần bờ thì nuôi tôm chân trắng trên cát là nghề chính đối với nhiều hộ dân. Không để lãng phí ao hồ, mặt nước, người dân thả nuôi trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Trong khi đó, thời điểm này của nhiều năm trước, tôm thường bị chết hàng loạt, chậm phát triển do nắng nóng. Vụ nuôi này đã qua hơn một nửa nhưng kích cỡ tôm vẫn còn rất nhỏ. Một số tôm nuôi do đề kháng thấp dẫn đến chết, mỗi ngày vớt chừng vài kg.

Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết, ngay từ đầu năm, chính quyền địa phương đã cảnh báo nguy cơ dịch bệnh và không khuyến khích người dân nuôi trong điều kiện nắng nóng phức tạp. Nhưng vì điều kiện sinh kế, người dân đã nôn nóng thả nuôi tôm chân trắng. Cán bộ thủy sản của địa phương thường xuyên  đến kiểm tra, nắm bắt tình hình nuôi tôm trên cát để có biện pháp ứng phó kịp thời tình huống xấu. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, dù kích cỡ tôm còn nhỏ, nhưng đến thời kỳ thu hoạch thì phải xuất bán nhằm tránh rủi ro.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, thời tiết nắng nóng vẫn còn kéo dài và gay gắt do hiện tượng El nino; nếu không có sự chăm sóc tốt thì nguy cơ dịch bệnh, thủy sản chết hàng loạt là rất cao. Chi cục Thủy sản tỉnh đang phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình NTTS trên địa bàn tỉnh để có biện pháp ứng phó và phải chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản theo yêu cầu của ngành thủy sản, cần duy trì mực nước ao nuôi cao hơn 1m để chống nóng cho tôm, cá vào những ngày nhiệt độ cao. Đối với các ao có độ sâu lớn cần tăng cường sục khí để tránh hiện tượng nước trong ao nuôi bị phân tầng.

Quá trình nuôi cần quản lý chặt chẽ việc cho ăn, tránh dư thừa thức ăn quá nhiều vừa gây lãng phí vừa ô nhiễm ao nuôi. Điều người dân lưu ý, phải sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy bùn đáy ao nuôi, kết hợp bón thêm zeolite để hấp thu khí độc; thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Những ngày có mưa giông phải tăng cường kiểm tra môi trường nước và có biện pháp xử lý, như tăng cường sục khí sau mưa, thay bớt nước mặt, trước và sau khi mưa; bón vôi để nâng cao và ổn định PH, độ kiềm cho ao nuôi.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐỐI MẶT VỚI DỊCH ĐẬU MÙA KHỈ:
Cần rút bài học từ Covid-19

Khi đại dịch COVID-19 vừa kết thúc, với sự xuất hiện của một chủng virus mới, được biết đến là virus Mpox gây bệnh đậu mùa khỉ, cảnh báo về việc căn bệnh này đã và đang nghiêm trọng hơn ở châu Phi cũng như lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, sẽ giành được nhiều sự chú ý hơn.

Cần rút bài học từ Covid-19
Về làng gặp ngọn gió nam

Những ngày giữa hạ tôi về làng và gặp ngọn gió nam. Gió nam như một người bạn của tuổi thơ tôi gian khó, vừa gần gũi lại vừa khó tính. Gió nam thổi thốc vào mặt tôi như muốn hỏi có nhớ đứa bạn này không hay sống xa quê lâu ngày mà quên mất rồi?

Về làng gặp ngọn gió nam

TIN MỚI

Return to top