Đời sống sông nước của ngư dân Quảng Điền lúc bình minh
Giá trị sản xuất đạt gần 798 tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Bằng, chủ nhà hàng Bằng ở bến đò Cồn Tộc bộc bạch, bến đò này một thời tấp nập nhưng các dịch vụ quanh đây còn nghèo nàn, chỉ vài ba quán hàng tạp hóa, nước giải khát, quán nhậu nhỏ lẻ.
Chừng 5 năm trở lại đây, khi huyện Quảng Điền có sự đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch đầm phá, ven biển, các dịch vụ hàng quán, nhà hàng, nhà nghỉ tại Cồn Tộc bắt đầu được nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu du khách, người dân.
Vào mùa hè, hằng ngày tại các nhà hàng ở Cồn Tộc thu hút một lượng lớn du khách, người dân đến ăn uống, thưởng thức những món đặc sản vùng đầm phá của ngư dân bản địa. Điều này cho thấy, du lịch sinh thái cộng đồng vùng đầm phá Quảng Điền đang có bước phát triển tích cực. Tính riêng trong vòng bốn năm trở lại đây, du lịch sinh thái Quảng Điền thu hút gần 62 ngàn lượt du khách tham quan, trải nghiệm.
Các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa đã và đang được đầu tư khai thác, mở rộng theo định hướng, quy hoạch. Các tour, tuyến du lịch tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thành, Quảng Phú, các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ngày càng hình thành rõ nét và mang tính đặc trưng như làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh. Du khách đến với Quảng Điền còn được người dân bản địa hướng dẫn, tham gia các hoạt động, trải nghiệm làng rau Thành Trung, làng rau Ngư Mỹ Thạnh, sản phẩm HTX Mây tre đan Bao La…
Cơ sở Mây tre đan Thủy Lập (xã Quảng Lợi) là nơi du khách đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm. Ảnh: MC
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng đánh giá, các loại hình dịch vụ ở Quảng Điền đang phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu phân phối hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ nông sản cho người dân. Trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh các dịch vụ vận tải, nhà hàng, thương mại, ngân hàng.
Các hạng mục hạ tầng thiết yếu đang được đầu tư, từng bước khai thác khu dịch vụ Cồn Tộc, hai bên cầu Tứ Phú, bãi biển Quảng Công, Quảng Ngạn, trung tâm thương mại huyện, chợ trung tâm các xã. Các dịch vụ du lịch đang phát triển, các tour du lịch cộng đồng, tham quan, lễ hội tăng về số lượng và chất lượng phục vụ… Tốc độ tăng trưởng bình quân các loại hình dịch vụ trong 5 năm qua của Quảng Điền đạt 12,9% (chiếm 43,9% tổng giá trị sản xuất toàn huyện).
Tạo động lực từ dịch vụ
Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Lê Duận cho rằng, cũng như biển Quảng Ngạn, biển Quảng Công có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Bãi biển thoai thoải, cát trắng mịn màng, cách bờ biển chừng trăm mét là rừng phi lao tỏa bóng mát, phù hợp cho việc tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí, tắm biển. Tuy nhiên, do nguồn lực địa phương còn nhiều hạn chế nên chưa thể đầu tư hạ tầng và các dịch vụ thu hút du khách như đường giao thông, nhà hàng, dịch vụ lưu trú...
Các dịch vụ tại Cồn Tộc, hai bên cầu Tứ Phú… mặc dù có bước chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển theo định hướng của huyện. Du khách đến với vùng đầm phá Quảng Điền chủ yếu trải nghiệm các dịch vụ chèo thuyền, tắm phá, ăn uống. Các địa phương, người dân, các đơn vị khai thác du lịch chưa tổ chức, khai thác mạnh các dịch vụ trải nghiệm các nghề sông nước, đánh bắt cá, tôm; các hoạt động ngắm cảnh hoàng hôn, bình minh trên phá; chưa kết hợp tham quan các làng rau, làng nghề mây tre đan, các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Các dịch vụ kinh doanh hai bên cầu Tứ Phú vẫn còn nghèo, chưa tương xứng với tiềm năng…
Ông Trần Quốc Thắng cho rằng, phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch là một trong những hướng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện. Thời gian đến, huyện tiếp tục đầu tư, từng bước hình thành rõ nét hơn khu dịch vụ Cồn Tộc, hai bên cầu Tứ Phú, bãi biển Quảng Công, Quảng Ngạn, trung tâm thương mại huyện, chợ trung tâm các xã…
Quảng Điền triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, tạo cơ sở kêu gọi các dự án đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, đảm bảo hài hòa lợi ích trong khai thác tài nguyên thiên nhiên. Huyện liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, đầm phá, các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện hình thành một số tour, tuyến du lịch thường xuyên về địa bàn và khu ẩm thực đặc sản vùng biển và đầm phá; tăng cường xúc tiến, giới thiệu, quảng bán hình ảnh, tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch của huyện; kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô, tầm chiến lược để tạo sự chuyển biến mạnh về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn…
Bài, ảnh: Hoàng Triều