ClockThứ Bảy, 22/07/2023 13:00

Diện mạo nông thôn mới ở Vinh An

TTH - Từ tỷ lệ hộ nghèo gần 18% cách đây hơn 10 năm, đến nay xã ven biển, đầm phá Vinh An (Phú Vang) đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) với tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,8%.

Vinh An-xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 Sớm đưa Vinh An trở thành xã nông thôn mới

leftcenterrightdel
 Đầu tư xây dựng hạ tầng

Ông Đặng Văn Trúc, một người cao niên ở xã Vinh An có lý do để tự hào về quê hương mình khi tỉnh vừa công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng tầm cao mới khi 19/19 tiêu chí đều đạt chuẩn NTM theo quy định. Nhiều hộ một thời có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề giờ cũng đã thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Theo ông Trúc, diện mạo địa phương bắt đầu có những đổi thay, chuyển biến kể từ khi triển khai xây dựng NTM. Người dân là chủ thể, hưởng lợi từ chương trình nên tích cực hưởng ứng, tham gia, tạo điều kiện cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng NTM một cách thuận lợi. Nhiều hộ sẵn sàng hiến đất, hiến cây, giải tỏa công trình để phục vụ địa phương xây dựng công trình công cộng, phúc lợi.

Đổi thay dễ thấy nhất là kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã Vinh An được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Nhiều tuyến đường giao thông một thời chỉ bằng đất cát, đất đỏ cấp phối giờ thay bằng bê tông, thảm nhựa. Đường sá thông suốt đến trung tâm xã, khu dân cư, ô tô đi lại hai chiều. Hệ thống giao thông nội đồng cũng cơ bản hoàn thiện, giúp người dân sản xuất một cách thuận lợi.

Toàn xã Vinh An có khoảng 52,65km đường giao thông đều được cứng hóa; trong đó đường thảm nhựa 9,3km, bê tông 36,85km, đường cấp phối 6,5km, đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Từ khi các tuyến đường được xây dựng, nâng cấp đã rút ngắn khoảng cách giữa địa phương với các xã lân cận, đặc biệt chỉ còn cách trung tâm huyện Phú Vang chừng 15km.

Từ khi Quốc lộ 49B được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa với các địa phương, trung tâm huyện và TP. Huế. Các dịch vụ kinh doanh, buôn bán nhỏ mọc lên ven đường, tạo nguồn thu nhập cho Nhân dân.

Chủ tịch UBND xã Vinh An, ông Phạm Phụng chia sẻ, xác định Nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM, từ khi bắt tay triển khai chương trình, đối tượng đầu tiên được chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức đó là Nhân dân. Ngay từ ngày đầu phát động thi đua xây dựng NTM đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo Nhân dân trên địa bàn xã.

Các thông tin, nội dung chương trình xây dựng NTM đều được địa phương cung cấp đến Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền thanh, trang thông tin điện tử xã… Các hộ dân được tham gia đóng góp ý kiến và đóng góp vật chất, tiền của, công sức để chủ động xây dựng các công trình phúc lợi. Nhân dân kết hợp tham gia xây dựng, giám sát các công trình công cộng nên đảm bảo chất lượng và được sự đồng tình của đông đảo cử tri.

Tổng kinh phí huy động trong dân và lồng ghép một số chương trình để thực hiện xây dựng NTM giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 12/2022 đạt gần 78 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số tập thể, cá nhân đóng góp bằng tiền, đất đai, hiện vật… trong phong trào xây dựng NTM của địa phương.

Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, xã Vinh An đầu tư xây dựng mới một số công trình thủy lợi, huy động người dân duy tu, nạo vét và tu bổ kênh mương, đê bao phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước là 178,7ha/189,7ha, đạt 94,2%. Nhờ đó, năng suất và chất lượng lúa, hoa màu tại địa phương ngày càng nâng cao.

Mặc dù là xã vùng ven biển, đầm phá nhưng toàn xã có 1.725/1.816 hộ sử dụng nước máy từ hệ thống cấp nước của HueWACO, đạt 95%. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng đều đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Cảnh quan môi trường địa phương luôn xanh, sạch, sáng, chất thải rắn được thu gom trên 80,5%. Hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 99,4%. Phần lớn hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Hầu hết hộ gia đình đều có cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Phạm Phụng cho rằng, chính quyền và Nhân dân vẫn chưa hài lòng với những kết quả đạt được, mà phải quyết tâm phấn đấu xây dựng và bảo vệ xã nhà thành một xã giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững về quốc phòng, an ninh. Địa phương đặc biệt quan tâm các tiêu chí luôn biến động như hộ nghèo, thu nhập, an ninh trật tự.

Bài, ảnh: HOÀNG NAM
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Hướng đến xã nông thôn mới thông minh

Xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) là 1 trong 6 xã của cả nước và là xã duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn tham gia mô hình thí điểm “Xã nông thôn mới thông minh” của toàn quốc trong Chương trình Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới (NTM) thông minh.

Hướng đến xã nông thôn mới thông minh
Return to top