ClockThứ Năm, 11/02/2016 14:53

Đứng lên từ những sẻ chia

TTH.VN - Ngoài bản năng, ý chí vươn lên để hôm nay người dân làng Rồng khẳng định mình sau “đêm kinh hoàng” 2/11/1999 là một tình yêu, sự đùm bọc của cả nước, cả thế giới và của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Vượt qua đau thương

Tôi vinh dự được cùng đoàn Lãnh đạo Cục Quản trị T26 Văn phòng Trung ương Đảng đến làng Rồng dịp cuối năm Ất Mùi để trao quà của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho bà con đón Tết Bính Thân. Năm nào bà con nơi đây cũng nhận được quà của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, sự háo hức mong đợi vẫn hiện rõ trên nét mặt mỗi người. Nhận quà xong, đại diện làng Rồng gửi lời tri ân đến nguyên Tổng Bí thư và nhờ Cục Quản trị T26 báo cáo lại rằng, bà con làng Rồng ngày một cố gắng xây dựng quê hương phát triển bên bờ biển Đông để tri ân tấm lòng của ông.


Làng Rồng đã có 8 hộ xây được nhà 2 tầng

Anh Trần Văn Bôn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An tâm sự: “Quà Tết hàng năm của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tổ dân phố chia ra mỗi hộ một ít. Với người dân làng Rồng, đó là món quà ý nghĩa nhất trong năm”.

Đến nay, trong số 64 hộ dân của làng Rồng chỉ còn 1 hộ cận nghèo, có 8 hộ đã xây nhà 2 tầng, năm nào cũng có học sinh là con em của làng đỗ đại học. Nói về sự tang thương của người dân Hải Thành, thị trấn Thuận An (Phú Vang) năm đó không mấy ai không biết. Chỉ sau một đêm, cơn lũ lịch sử 1999 cuốn bay đập Hòa Duân làm ngôi làng như bị vỡ toang.

Nhưng, sau vài tháng, làng Rồng xuất hiện như một kỳ tích để làm bờ vai cho những người chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai tựa vào và đứng lên. Nơi ở cũ của họ trước là bãi biển, sau lưng là đầm phá, bà con người buôn bán, người đánh bắt để mưu sinh. Làng Rồng, mọi cái bắt đầu từ số không khiến nhiều người bỡ ngỡ, bi quan. Nhưng rồi họ tự an ủi, còn người là còn tất cả và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới.

Một số tiếp tục bám biển, một số tìm công việc khác phù hợp sức mình như thợ xây, thợ gò hàn, buôn bán, làm mắm, làm bánh ép… Ông Đỗ Ngọc Thích, Bí thư Chi bộ làng Rồng khẳng định: “Giàu có thì chúng tôi chưa dám nghĩ đến, nhưng hầu hết bà con ai cũng tần tảo để xây dựng cuộc sống vững chãi, chăm lo cho thế hệ sau theo kịp thời đại”. Có lẽ vì mọi người chăm lo làm ăn nên tình hình an ninh trật tự ở đây rất tốt, từ ngày thành lập đến nay hầu như chưa có biến động gì xảy ra.

Hy vọng vào thế hệ kế cận

Chiều cuối năm, tôi trở lại làng Rồng, cùng ông Thích ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Lệ. Trời hôm đó vừa thôi mưa dầm, nhưng cái rét còn cắt da cắt thịt. Chị Lệ cùng con trai là Lê Đại Dương - đang là sinh viên năm 3 Trường đại học dân lập Phú Xuân - tổng vệ sinh nhà cửa chuẩn bị đón Tết.

Trước cơn lũ lịch sử, gia đình chị Lệ là một trong những hộ khá ở Hải Thành; chồng đánh cá, vợ mở hàng tạp hóa tại nhà. Họ vừa xây được ngôi nhà khang trang hơn một năm thì bão đến. May hôm ấy, thấy sóng to cả nhà phải đi tránh bão nên không thiệt hại về người. Có điều phải mấy ngày sau mới thấy ngôi nhà nhấp nhô giữa sóng nước, nơi chứa đựng toàn bộ tài sản từ mồ hôi công sức hai vợ chồng bao năm gây dựng.

Căn hộ Nhà nước cấp cho gia đình chị Lệ năm đó giờ không thay đổi nhiều. Từ ngày tái định cư, vợ chồng chị sống bằng nghề đáy rớ. Họ chẳng mơ ước nhiều, chỉ mong được bình an làm lụng, lo đủ cái ăn cái mặc, nuôi con học hành đàng hoàng. Chị Lệ cười khoe với chúng tôi: “Con gái tôi đậu đại học ngoại ngữ năm rồi, chẳng mong gì hơn. Cuộc sống dù thăng trầm, nhưng có vậy mới hiểu hết giá trị của sự sẻ chia từ mọi người dành cho mình”.

Gia đình anh Nguyễn Vầm ở đối diện nhà chị Lệ thì khá giả hơn. Anh làm thợ xây theo thời vụ, vợ buôn bán nhỏ. Vợ chồng tích cóp được chút đỉnh rồi nhờ người thân ở nước ngoài trợ giúp thêm nên xây được ngôi nhà hai tầng khang trang. Cũng như nhiều gia đình ở làng Rồng, mục tiêu phấn đấu của vợ chồng anh Vầm là đầu tư cho con học hành đến nơi đến chốn để thế hệ sau có cuộc sống khá hơn. Con trai họ đã là kỹ sư cơ khí, đang công tác tại Nha Trang; con gái vừa tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Huế, đang chờ xin việc.

Chừng ấy thời gian chưa phải là nhiều để tái sinh một cụm dân cư như làng Rồng. Nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để chứng minh những thương yêu, đùm bọc giữa người với người trước hoạn nạn

Bài, ảnh: Hương Lan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn

Ngày 26/11, tại UBND xã Vinh Xuân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị nghiệm thu và tổng kết mô hình điểm của Hội Nông dân, tham gia phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn năm 2024 tại hai xã Vinh Xuân và Phú Diên của huyện Phú Vang. Dự hội nghị có các ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); Nguyễn Chí Quang, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn
Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 22/11, tại thị trấn Phú Đa (Phú Vang), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo- Người tàn tật vàTrẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng phối hợp Hội Người khuyết tật- Bảo trợ người khuyết tật & trẻ mồ côi Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình trao quà hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 6,với tổng trị giá gần 127 triệu đồng.

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
Return to top