Chia sẻ về những đơn hàng này, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VIETGO – chuyên tư vấn xuất nhập khẩu cho các DN Việt Nam cho biết, “Đơn hàng thịt lợn này của một đối tác Hàn Quốc đã từng giao dịch nhiều lần, nhưng lần này họ không mua trực tiếp mà chỉ đóng vai trò là nhà buôn thương mại. Đơn hàng này rất gấp nên thời gian hoàn thành đơn chỉ khoảng 1 tuần – 1 tháng là phải chốt xong.”
Ý Định thư của đối tác thể hiện sự nghiêm túc
Về yêu cầu của đơn hàng, ông Việt chia sẻ, “Doanh nghiệp Hàn Quốc đang có nhu cầu nhập 500 tấn thịt ba chỉ/tháng, 1.350 tấn chân trước/tháng và 1.350 tấn chân sau/tháng trong vòng một năm. Chi tiết sản phẩm, thịt bụng cần đạt trọng lượng từ 4.7 - 5.2 kg/miếng với độ dày tối thiểu 4cm, kích cỡ 25 x 46 cm. Sản phẩm được đóng gói theo quy chuẩn 4 miếng thịt ba chỉ/thùng carton (có lớp ngăn cách). Ngoài ra, sản phẩm cần có chứng chỉ SGS (hoặc chứng chỉ khác tương đương).”
Hình ảnh sản phẩm mẫu đối tác gửi
“Lý tưởng nhất là có thể thu mua từ 1 nhà cung cấp, nhưng nếu không đủ thì có thể gom từ 2 – 3 nhà cung cấp, miễn sao mỗi nhà cung cấp đáp ứng được đủ một phần ba đơn hàng. Còn về chứng chỉ SGS (phân tích mẫu thịt về lượng mỡ, lượng nạc và dư lượng kháng sinh,...), các nhà cung cấp có thể tham khảo tại Sở Công Thương các tỉnh hoặc mang mẫu thử nghiệm lên Hà Nội để giám định. Việc lấy giấy chứng nhận SGS chỉ mất khoảng từ 5 – 6 ngày.”, ông Việt cho biết thêm.
Đặc biệt, các chi phí xúc tiến thương mại cho các đơn hàng giải cứu thịt lợn trong thời gian này đều được Công ty VIETGO miễn phí hoàn toàn cho các đơn vị cung cấp. Và ông Việt cũng cam kết, sẽ cố gắng mang về nhiều đơn hàng giải cứu thịt lợn hơn cho bà con nông dân, với số lượng khoảng 5 – 7 đơn/tháng.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm xuất khẩu, ông Việt nhận định, "Thị trường Trung Quốc là thị trường cực lớn với sức tiêu thụ khoảng 51 – 57 triệu tấn thịt lợn mỗi năm. Về cơ bản, Trung Quốc cũng đang thiếu hụt về nguồn cung, do hiện nay Trung Quốc đang tái cấu trúc đàn lợn, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ sang mô hình trang trại. Trong khi đó, việc tái cấu trúc này cần một khoảng thời gian, nên hiện tại thịt lợn tại Trung Quốc đang thiếu hụt ở khoảng 9%, tương đương với 5 triệu tấn/năm. Nên chỉ cần cung cấp một phần trong lượng thiếu hụt ấy đã đủ giải cứu thịt lợn dư thừa hiện nay.”
"Thế nhưng từ trước đến nay, các tiểu thương Việt Nam mới chỉ quen với việc xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch. Chúng ta chủ yếu chỉ cung cấp lợn sang một số vùng ven biên giới giữa 2 nước, mà chưa có những đơn hàng cung cấp thẳng trực tiếp vào thị trường nội địa.", ông Việt nói.
Đánh giá về lợi thế của Việt Nam so với các nước khác, ông Việt nhận định "Thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính và rất dễ thâm nhập vì yêu cầu không quá cao như Nhật Bản hay một số nước Châu Âu. Nếu so với Brazil thì thịt lợn của chúng ta chưa bằng nhưng và Việt Nam lại có lợi thế về mặt địa lý, vì thế giá của chúng ta rất cạnh tranh."
"Tuy có nhiều lợi thế, nhưng muốn giải cứu được tình trạng dư thừa lợn hiện nay vẫn buộc phải đa dạng hóa thị trường, nhất là những thị trường dễ tính trong khu vực. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để không chỉ xuất khẩu thịt lợn mà các mặt hàng khác đều có thể đi qua đường chính ngạch.", ông Việt khẳng định.
Ngoài ra, cần có một hệ thống thông tin chuẩn xác để kết nối giữa nhà cung cấp với các nhà thu mua đến từ nhiều nước trên thế giới. Dần dần, tạo thành một hệ thống giao thương với nhiều nhà cung cấp đến rất nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ các nước lân cận.
Theo Dân trí