ClockThứ Năm, 13/02/2020 06:30

Giao thông, “chìa khóa” xây dựng nông thôn mới ở Phong Điền

TTH - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Trịnh Đức Hùng thông tin, Phong Điền đang tập trung thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Phấn đấu đến cuối năm 2020, có 11/15 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 thôn trở thành thôn NTM kiểu mẫu.

Phong Xuân thực hiện mục tiêu cán đích nông thôn mớiPhong Điền huy động gần 1.500 tỷ đồng xây dựng nông thôn mớiPhong Điền khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

Diện mạo các xã nông thôn mới ở Phong Điền ngày càng khang trang

Khi mới thực hiện chương trình xây dựng NTM, đối chiếu thực tế kinh tế - xã hội của huyện so với 19 tiêu chí về NTM, các địa phương trên địa bàn huyện còn ở mức thấp, nhiều tiêu chí chưa đạt. Trong đó có các tiêu chí quan trọng như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn..., đòi hỏi thời gian và nguồn lực đầu tư lớn.

Các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) chưa mạnh, mô hình kinh tế vừa và nhỏ theo hình thức liên kết (Nhà nước  - nhà khoa học - người sản xuất - doanh nghiệp) còn hạn chế, chưa tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn để kết nối thị trường tiêu thụ.

Trước khó khăn đó, huyện Phong Điền xác định, muốn thực hiện xây dựng NTM thành công phải huy động sức mạnh nội lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở và sự tham gia tích cực của người dân. Trong đó, người dân là chủ thể của quá trình xây dựng NTM.

Từ đó cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí NTM bám sát đặc thù, điều kiện thực tiễn của địa phương và nguyện vọng của Nhân dân.

Ông Hoàng Bá Nghiễm, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền  cho biết, xác định “đột phá” từ giao thông chính là “chìa khóa” để nâng cao đời sống cho người dân và xây dựng NTM trên địa bàn, huyện Phong Điền đã chú trọng đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống đường giao thông nông thôn, nhất là đường vào các vùng sản xuất nông nghiệp, vùng chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển vật tư, các sản phẩm từ nông nghiệp.

10 năm qua, Phong Điền đã cứng hoá 77,4km, đưa tổng chiều dài đường giao thông được cứng hoá lên 163,1km (với tổng kinh phí thực hiện 116,1 tỷ đồng), nâng tỷ lệ đường trục xã, liên xã đã được cứng hoá đạt tỷ lệ 87,95% (tăng 0,93% so với năm 2015, tăng 11,95% so với năm 2010). Trong các năm từ 2017 đến 2019, bình quân mỗi năm đã tổ chức duy tu, bảo dưỡng 65 km đường xã.

Những năm qua, UBND huyện đã huy động và bố trí được hơn 23.240 tấn xi măng để xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách UBND tỉnh, huyện hỗ trợ 21.740 tấn, Nhà máy Xi măng Đồng Lâm hỗ trợ hơn 1.500 tấn... ngoài ra đã vận động được nhiều hộ dân đóng góp kinh phí, ngày công, vật liệu khác để cứng hóa được gần 150 km đường giao thông nông thôn các loại và 10 km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Trong xây dựng NTM, người dân giữ vai trò chủ thể vừa làm, vừa thụ hưởng, do đó, việc phát huy sự chủ động, tích cực tham gia của người dân được chú trọng. Trong đó, công tác tuyên truyền trở thành cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện, bám sát phương châm dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.

Nhờ làm tốt phong trào “Dân vận khéo”, Nhân dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện hiến 851.545 m2 đất các loại (ước khoảng 25,959 tỷ đồng), 37.153 cây các loại, 4.319 m2 tường rào, công trình phụ trợ (ước khoảng 6,35 tỷ đồng), 141.725 ngày công (ước khoảng 28,34 tỷ đồng), các công trình phụ khác với tổng giái trị trên 6 tỷ đồng, đóng góp bằng tiền mặt 57,32 tỷ đồng... để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trường học, nhà văn hoá thôn và các công trình sản xuất, dân sinh.

Đến nay, Phong Điền có 6/15 xã đạt chuẩn xây dựng NTM là Phong An, Phong Hiền, Điền Lộc, Phong Hải, Phong Hòa và Điền Hải.

Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Mười ở thôn Trạch Phổ, xã Phong Hòa đã không ngần ngại hiến hơn 100 m2 đất và tài sản trên đất, đập bỏ hàng rào kiên cố với tổng giá trị hơn 50 triệu đồng để mở rộng đường xây dựng NTM phục vụ đời sống dân sinh.

Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí còn lại. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng NTM. Thường xuyên sâu sát cơ sở để kiểm tra, giám sát, đôn đốc kịp thời; rút kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc; biểu dương và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM. Đó là quyết tâm không chỉ của riêng xã Điền Hòa mà còn của nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Văn Bốn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

TIN MỚI

Return to top