Sạt lở khu vực Vỹ Dạ (Thủy Bằng) đã ăn vào mép nhà của người dân
Những ngày này, gia đình bà Võ Thị Loan (thôn Vỹ Dạ, xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy) đứng ngồi không yên khi hàng chục mét vuông đất phía sau vườn bà bỗng dưng đổ ùm xuống sông, cuốn theo chuồng heo cùng nhiều cây cối.
Theo quan sát của PV, bờ sông khu vực này bị ăn sâu vào khoảng 20m, sâu 10m, trên chiều ngang 40m. Sạt lở đã “ăn” sát vườn cây thanh trà và làm chuồng heo sau nhà bà Loan bị đổ sập. Chân mép sạt lở chỉ còn cách ngôi nhà chính từ 5-7m. “Đang ngủ ban đêm thì nghe tiếng ùm, át cả tiếng đò máy khai thác cát sỏi nằm gần đó. Sáng ra xem thì vườn tược tan hoang, thanh trà trơ gốc hết”, bà Loan kể với nét mặt lo lắng.
Thuyền khai thác cát vẫn về xuôi, trong khi bờ sông Hữu Trạch vẫn sạt lở
Cạnh đó, sạt lở cũng đã ăn sâu vào khu vườn trồng thanh trà của nhà bà Nguyễn Thị Hồng, cuốn trôi hơn 20 cây ăn quả, lâm nghiệp trong vườn. Tình trạng sạt lở ở đây vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi nền đất rất yếu, người dân chỉ dám đứng cách mép sạt lở vài mét bởi đất có thể sụp xuống sông bất cứ lúc nào. “Trước đây, bờ sông còn nằm ngoài xa, năm nào cũng có sạt lở vài mét, nhưng chưa khi nào mạnh như đợt lũ đầu và giữa tháng 11 vừa qua. Cứ như thế này thì chẳng mấy chốc, 50 gốc thanh trà của gia đình xuống sông, rồi sạt lở cũng “ăn” vào trong nền mống của nhà”, bà Loan lo lắng.
Nhiều hộ dân ở khu vực Tân Ba, Võ Xá, Vỹ Dạ (xã Thủy Bằng) cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở là do việc khai thác cát “chui” cả ngày lẫn đêm bên nhánh sông Hữu Trạch (thượng nguồn sông Hương), làm “hỏng chân” nhiều diện tích đất nông nghiệp. Khi nước lớn về cộng với việc điều tiết xả lũ đã làm sạt lở dòng sông mạnh hơn. “Bà con ở đây đã kiến nghị nhiều lần, có khi phải tổ chức thành từng nhóm mà canh chừng mấy thuyền khai thác cát sỏi. Họ đậu thuyền giữa lòng sông, “thò” ống hút vào sát bờ nạo, xúc hết cát sỏi. 1-2 giờ sáng, mình ở trong bờ xua đuổi, la ó cũng không ăn thua. Điện chính quyền xã tới thì mấy thuyền bỏ chạy hết”, bà Hồng bức xúc.
Chuồng heo nhà bà Loan đã bị sạt xuống sông, mép sát cách nhà chừng 5-7m
Theo thống kê của UBND xã Thủy Bằng, hiện trên thượng nguồn sông Hương đi qua địa bàn xã xuất hiện khoảng 10 điểm sạt lở mới, cuốn trôi hàng nghìn m2 đất nông nghiệp xuống sông. Trong đó, có nhiều điểm đã ăn sâu vào đất nông nghiệp, sát mép nhà dân, nguy cơ ảnh hưởng tới tuyến đường chính của xã. Trong khi đó, đời sống người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, việc vườn tược bị sạt lở, nhà cửa bị “uy hiếp” khiến họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. “Năm nào đến mùa lũ lụt, địa phương cũng lên phương án di dời các hộ dân vùng thấp trũng. Nay phải có kế hoạch di dời những hộ nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến an toàn các hộ gia đình”, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết.
Sạt lở làm mất đất nông nghiệp, vườn tược bị cuốn trôi tại thôn Võ Xá (Thủy Bằng)
Theo ông Nguyên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở hiện nay ven bờ sông Hương là do tình trạng khai thác cát “chui” của nhiều thuyền hoạt động từ khu vực trên cầu Tuần lên đến vùng Tân Ba giáp ranh với xã Hương Hòa và việc điều tiết xã lũ khi mưa lớn vào thời điểm tháng 11 vừa qua. “Bờ sông hiện nay những khu vực sạt lở có nơi sâu trên 10m, không còn cát mà hút vì trước đó đã hút quá nhiều, làm thay đổi dòng chảy, “hỏng chân” diện tích đất hai bên bờ sông. Về lâu dài, việc xử lý triệt để tình trạng khai thác cát và phương án xây kè ven triền sông vượt qua thẩm quyền của địa phương”, ông Nguyên nói.
Vườn chuối của một hộ dân ở thôn Võ Xá bị "hà bá" nuốt chửng
Từ bên mép sông dòng Hữu Trạch nhìn qua, nhiều điểm sạt lở mới và cũ khá dày đặc bên kia bờ thuộc các thôn Kim Ngọc, La Khe Trẹm (xã Hương Thọ, TX Hương Trà). Trước đó, sạt lở ở khu vực này cũng xảy ra trên chiều dài khoảng 400m, ăn sâu vào bờ khoảng 4m, uy hiếp cơ sở 1 Trường tiểu học Hương Thọ. Hiện, UBND thị xã Hương Trà đã có phương án xây kè chống sạt lở khu vực này.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho hay, qua các đợt mưa lũ trong nhiều năm, đã làm tình hình sạt lở bờ sông và biển toàn tỉnh trên chiều dài khoảng 70km. Trong đó, sạt lở xuất hiện nhiều điểm mới trên các con sông chính như sông Hương, Bồ, Bù Lu. “Hiện nay, đơn vị đang cùng chính quyền địa phương rà soát, lên phương án khắc phục các điểm sạt lở. Theo đó, sẽ huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, ưu tiên các vùng sạt lở trọng điểm, nguy cơ cao để kịp thời đầu tư xây kè hoặc sử dụng các vật liệu gia cố tạm thời. Về lâu dài, giải quyết vấn đề sạt lở không chỉ cần nguồn lực đầu tư lớn, quy mô mà UBND tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn, xử lý dứt điểm các tàu thuyền khai thác cát trái phép trên các con sông”, ông Hùng khẳng định.
Bài, ảnh, clip: Hà Nguyên