Gần 200ha ruộng tại Phú Lộc bị bỏ hoang vụ hè thu
Ruộng bỏ hoang
Nhiều năm nay, gần 200 ha ruộng ở huyện Phú Lộc bỏ hoang vụ hè thu do ruộng thiếu nước, nhiễm mặn, hệ thống thủy lợi không đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Mậu (thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy) cho biết, gia đình ông có hơn 3 sào ruộng phải bỏ hoang vụ hè thu. Nhiều năm trước, số diện tích này sản xuất được 2 vụ, nhưng những năm trở lại đây, thiếu nước cộng với bị nhiễm mặn nên không thể gieo cấy.
Xã Lộc Thủy hiện có hơn 20 ha ruộng bị bỏ hoang thuộc các HTX Thủy Tân và Thủy An. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho hay: “Đối với diện tích ruộng bị bỏ hoang, địa phương đã đầu tư hệ thống thủy lợi nhưng không hiệu quả. UBND xã đã có tờ trình đề xuất UBND huyện cho chuyển đổi sang các loại cây trồng khác; song năm 2017 vẫn chưa có nguồn vốn để bố trí”.
Năm xã khác là Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hưng, Vinh Hải, Vinh Hiền cũng có nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang vụ hè thu. Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Lộc thông tin: “Toàn huyện có 390 ha ruộng lúa bị thiếu nước; trong đó 190 ha vẫn tiếp tục trồng lúa, nhưng tương lai phải khắc phục hệ thống thủy lợi để đảm bảo yêu cầu nguồn nước tưới tiêu; hơn 190 ha còn lại không thể trồng lúa do ruộng bị nhiễm mặn, thiếu nguồn nước tưới”.
Ảnh hưởng từ đợt triều cường đầu năm, nhiều diện tích ruộng tại Quảng Điền bị ngập úng. Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết: “Do ảnh hưởng thời tiết xấu, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện có 344 ha lúa phải gieo cấy đến 2 hoặc 3 lần. Hiện 14 ha ruộng tại thị trấn Sịa, xã Quảng Vinh, Quảng Phú dù gieo cấy lần thứ 3 vẫn bị chết nên đành bỏ hoang. Những trà lúa gieo cấy muộn, dự kiến đến tháng 6 mới trổ, song năng suất chắc chắn không cao bởi rất dễ bị sâu bệnh xâm hại, đặc biệt là sâu đục thân, rầy nâu…”.
Cần giải pháp căn cơ
Để khắc phục hàng trăm ha ruộng bị bỏ hoang, huyện Phú Lộc đã xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các địa phương. Nhu cầu kinh phí đầu tư cho đề án hơn 2 tỷ đồng. Theo đó, những giải pháp về khuyến nông, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được áp dụng; các biện pháp về kỹ thuật thâm canh, giống được lưu ý.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết: “Đề án chuyển đổi cây trồng đã được huyện ủy thông qua. Chúng tôi đang triển khai về các địa phương. Bước đầu sẽ chuyển đổi 40 ha sang trồng lạc, 15 ha trồng rau muống, 15 ha trồng dưa hấu. Về giống cây trồng sẽ áp dụng các loại giống đang phổ biến hiện tại ở địa phương. Cụ thể, lạc sẽ sử dụng giống L14, L18; dưa hấu sẽ dùng giống Hắc Mỹ Nhân, An Tiêm, Sugar 75… Để tăng hiệu quả sản xuất, chúng tôi sẽ đầu tư máy cày cho các xã như Lộc Tiến, Lộc Thủy, đồng thời xây dựng các cộng đồng phục vụ sản xuất, tạo thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản hàng hóa; mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài huyện, xâm nhập một số thị trường ngoại tỉnh và nước ngoài”.
“Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.000 ha ruộng lúa bị thiếu nước. Theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ chuyển đổi số diện tích này sang các loại cây trồng ngắn ngày. Tùy theo mùa vụ, chúng tôi có những biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang các cây trồng ngắn ngày, hạn chế tối đa việc đất bị bỏ hoang song cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía”, ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết.
|
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ ruộng trồng lúa sang các cây trồng khác gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thông chia sẻ: “Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các cây trồng khác không dễ. Đa số những diện tích này trước đây trồng lúa, khi gặp mưa, ruộng sẽ bị úng, các cây trồng khác ngoài lúa khó sinh trưởng. Tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con vẫn chưa tốt. Một số bộ phận nông dân chưa mặn mà với việc sản xuất nông nghiệp vì thu nhập không cao. Điều quan trọng trong nông nghiệp là phải đảm bảo được hệ thống thủy lợi. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên để có phương án hỗ trợ, đầu tư khắc phục các công trình thủy lợi”. Đồng quan điểm, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho rằng: “Ruộng trồng lúa khi chuyển đổi sang các loại cây trồng khác gặp không ít khó khăn.
TS. Lê Tiến Dũng, nguyên giảng viên Trường đại học Nông lâm Huế cho biết, những diện tích ruộng bị ngập úng có thể chuyển đổi sang trồng sen. Về nguyên tắc, đất ruộng có thể chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày khác.
"Hiện nay, Bộ NN&PTNT có chủ trương hỗ hợ chuyển đổi diện tích ruộng không thể sản xuất lúa sang các cây trồng khác. Song, muốn làm được điều này cần 3 yếu tố, thị trường tiêu thụ, đầu tư hệ thống thủy lợi và phương tiện khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Nếu chuyển đổi, cần xác định được cây trồng chủ lực là cây gì. Không chỉ ở Thừa Thiên Huế, nông sản ở các tỉnh thành trong cả nước hiện nay gặp khó ở khâu thị trường tiêu thụ, nên cần các chính sách liên kết thị trường tiêu thụ, ưu tiên các doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho bà con. Về thủy lợi, tỉnh cần phải đầu tư; các địa phương đẩy mạnh các chính sách tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông dân", TS. Dũng chia sẻ.
Theo ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay khó khăn lớn nhất trong việc chuyển đổi cây trồng nằm ở khâu thủy lợi. Ngoài ra, tư duy cơ cấu cây trồng của người dân vẫn chưa ổn định, thị trường tiêu thụ nông sản tùy thuộc vào từng thời điểm nên bà con khó chủ động.
Bài, ảnh: Lê Thọ