Với đảng bộ và chính quyền ở khu vực nông thôn, vai trò chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân, suy cho cùng chính là chỉ đạo khai thác tiềm năng đất đai hiệu quả.
Một “cánh đồng lớn” trồng thanh trà ở xã Phong Thu (Phong Điền)
Nhìn vào cách khai thác tiềm năng đất đai của huyện Phong Điền, ngoài nỗ lực của bản thân người dân, chúng ta còn thấy rõ vai trò của sự chỉ đạo điều hành của đảng bộ và chính quyền. Có định hướng rõ ràng, có giải pháp và bước đi cụ thể, ứng với từng vùng, huyện có những quyết sách phù hợp. Và hiệu quả đưa lại thấy rõ chính là từ sự phù hợp này.
Để phát triển kinh tế một vùng gò đồi rộng lớn gồm 3 xã Phong Sơn, Phong Xuân và Phong Mỹ, huyện đã có một nghị quyết về phát triển vùng gò đồi theo hướng bền vững và hiệu quả. Nói cụ thể là tập trung phát triển kinh tế vườn - rừng, chăn nuôi… Với những diện tích thuận lợi thì phát triển kinh tế vườn với cây ăn trái kết hợp chăn nuôi. Diện tích đất gò đồi thì phát triển rừng kinh tế, cây cao su lấy mủ, chăn nuôi qui mô gia trại, trang trại.
Đi kèm với định hướng là xây dựng chính sách hẳn hoi. Ví như phát triển chăn nuôi bò bán thâm canh, huyện đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ chênh lệch lãi suất ngân hàng thương mại, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, chi phí tập huấn, công tác phòng dịch, hỗ trợ trồng mới đồng cỏ… với số tiền hàng tỷ đồng. Con số này không phải là lớn, nhưng nó đã thúc đẩy việc chăn nuôi bò bán thâm canh ở vùng này phát triển. Chương trình phát triển rừng đã hình thành hàng ngàn ha rừng lấy gỗ và rừng cao su giúp giải quyết nhiều việc làm và tạo thu nhập cho người dân.
Phong Điền là huyện khai thác vùng cát để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng lớn nhất tỉnh và có hiệu quả. Huyện đã đầu tư cả hàng chục tỷ đồng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, điện, hệ thống cấp nước mặn, nước ngọt, với các đường ống dẫn nước khép kín, kênh thoát nước. Riêng hệ thống xử lý nước thải, cứ bình quân 10 ha, xây dựng 1 ha ao hồ xử lý nước thải, trong đó huyện hỗ trợ 30%...
Vai trò quan trọng của đảng và chính quyền ở đây là định hướng và giải pháp thực hiện định hướng đó. Chủ trương là một việc, điều quan trọng là có chính sách hết sức cụ thể để biến chủ trương đó thành hiện thực.
Lấy ví dụ ở Điền Môn. Một vùng cát khá lớn của xã gọi là cát nội đồng trước đây khai thác chẳng mấy hiệu quả. Vậy mà giờ đây, một ha đất cát bạc màu này cho doanh thu chừng 200 triệu đồng. Làm cái gì để ra chừng ấy tiền? Nhờ trồng ném. Từ khi người dân phát triển trồng cây ném thì đất cát ở vùng này trở nên có giá. Người dân có thu nhập tăng thêm cũng từ trồng ném nhờ hiệu quả cao đưa lại. Chính sách thúc đẩy ở đây là hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp điện cho khu vực này. Và kết quả bây giờ trên vùng cát chẳng đưa lại mấy hiệu quả trước đây trở thành một vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Tương tự là chủ trương phát triển thanh trà ở Phong Thu. Vài năm nay thanh trà có giá. Cây thanh trà cũng được trồng ở đây hơn bốn mươi năm nhưng người dân còn làm nhỏ lẻ, chưa trở thành vùng sản xuất hàng hóa. Để hỗ trợ cho người dân phát triển bài bản, xã Phong Thu đã quy hoạch xây dựng mô hình “cánh đồng lớn” trồng cây thanh trà. Năm 2015, dự án cánh đồng lớn được hình thành thu hút nhiều hộ tham gia. UBND huyện Phong Điền phê duyệt đề án “Phát triển và nâng cao chất lượng cây thanh trà” và hỗ trợ kinh phí để tập huấn kỹ thuật, cung cấp phân bón, vật tư bước đầu để thực hiện…
Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng của người nông dân. Khai thác tốt tiềm năng đất đai là cách để nâng cao đời sống của người nông dân. Một khi đất đai được khai thác hiệu quả, đời sống của người nông dân vốn chịu nhiều khó khăn, khổ cực được cải thiện rất nhiều.
Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: VĐN