“Bơi” vào vùng sản xuất
Hồ thủy lợi Tả Trạch từ khi khởi công xây dựng năm 2005 đến nay, hàng trăm hộ dân, đất sản xuất bị ảnh hưởng đã được kiểm kê, đền bù. Tuy nhiên, thời điểm tháng 12/2016, hồ chứa bắt đầu tích nước đến cao trình +45m, đã làm nhiều vùng đất sản xuất của người dân thôn A2, Ba Ha, Ta Rung (xã Hương Sơn)- vốn không nằm trong vùng bị ảnh hưởng đã xác định trước đây, bị ngập, cô lập trong lòng hồ.
Đường dẫn vào khu sản xuất thôn A2, Hương Sơn bị cô lập
Tại thôn A2, con đường “độc đạo” dẫn vào khu sản xuất truyền thống của người dân nơi đây giờ ngập sâu mấy mét nước, người dân không thể vào khu vực trồng cây cao su, keo tràm, sắn để chăm sóc cũng như thu hoạch được. Ông Trần Xuân Dành, một hộ dân thôn A2 lo lắng: “Từ thời điểm cuối năm 2016, hồ tích nước đến cao trình đã làm 3ha cao su, keo tràm của gia đình tui bị cô lập đường vào do con đường dẫn vào khu sản xuất bị ngập sâu. Để tìm đường vào, nhiều thanh niên trai tráng phải bơi qua vùng ngập nước để vào chăm sóc cây. Thời điểm này giá cao su đã “nhích” lên 18-20 nghìn đồng/kg mủ, bà con có thu nhập nhưng không đi khai thác được”.
Cùng hoàn cảnh với hộ ông Dành là 30 hộ dân có đất sản xuất bị ảnh hưởng phát sinh sau khi lòng hồ tích nước đến cao trình +45m. “Để vào nơi sản xuất, bà con đã khai phá đường mới đi vượt qua đồi A2 rất vất vả. Mỗi lần vào khai thác chỉ được vài chục kg mủ cao su gùi ra. Còn khai thác, chăm sóc rừng keo thì gần như không làm được”, anh Hồ Anh Liên than thở.
Ngoài không sản xuất được, khi tích nước đạt cao trình, một số diện tích của người dân ở xã Hương Sơn bị ngập làm cây cao su, cây sắn bị chết, vàng lá, úa củ do phải ngâm dài ngày trong nước. Ông Hồ Thanh Nghi, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho hay, ngoài 300 ha đất bị cô lập do đường sản xuất ngập, một số diện tích đất người dân nằm ven suối A2 trên chiều dài khoảng 500m- trước đây được xác định là vùng không ảnh hưởng, bị ngập làm việc khai thác tre lồ ô, cây sắn của người dân trở nên khó khăn.
“Đời sống bà con ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tình trạng ngập nước như hiện nay đúng thời điểm giá cao su, keo tràm đang lên cao làm các hộ dân đi lại, khai thác rất chật vật, ảnh hưởng đến sinh kế. Xã cũng đã khảo sát, thống kê sơ bộ để báo cáo tình hình lên cấp trên nhằm có phương án đền bù bổ sung cho người dân”, ông Nghi khẳng định.
Nguy cơ tái nghèo
Theo ông Hồ Thanh Nghi, toàn xã có 64 hộ nghèo và cận nghèo (số liệu năm 2016). Từ thời điểm 2004 đến năm 2005 có 85 hộ trên địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi dự án hồ Tả Trạch đã được thống kê, đền bù một phần. Trong đó, có 46 hộ trong lòng hồ đã được bền bù đất và tài sản trên đất, bố trí tái định cư với diện tích đất bình quân được cấp 2 sào/hộ. Hiện nay, khi hồ chứa tích nước đến cao trình +45m, đã có thêm 30 hộ có diện tích đất sản xuất bị ngập phát sinh. Trong đó, 300 ha bị cô lập trong lòng hồ không thể vào chăm sóc, khai thác cây trồng được. Việc sản xuất gặp khó khăn khiến nhiều hộ dân có nguy cơ tái nghèo.
“Địa phương đã nhiều lần làm tờ trình kiến nghị lên cấp trên về việc cần triển khai đền bù sớm cho các hộ dân có diện tích đất rừng đã được kiểm kê, hoàn thiện hồ sơ. Đối với diện tích bị ngập phát sinh khi tích nước đề nghị Phòng TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tiếp tục rà soát, đưa vào danh sách đền bù bổ sung. Các cơ quan chuyên môn cũng cần nghiên cứu, cấp trên cấp kinh phí để làm đường mới dẫn vào khu sản xuất cho người dân”, ông Nghi kiến nghị.
Ông Hồ Tăng Phúc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nam Đông cho hay: “Dự án hồ Tả Trạch ảnh hưởng đến người dân 4 xã, thị trấn (Hương Sơn, Hương Hòa, Hương Phú và Khe Tre), trước đây đã hỗ trợ đền bù cho những hộ dân bị ảnh hưởng, riêng còn 94 ha đất lâm nghiệp của 82 hộ dân bị thu hồi theo diện đất đổi đất. Đến nay, do không đủ quỹ đất nên phương án đất đổi đất trước đây không thực hiện được, phải thực hiện chủ trương đền bù bằng tiền hơn 5,1 tỷ đồng. Dự kiến, trước Tết Nguyên đán sẽ chi trả xong”.
Ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho hay, trước phản ánh của người dân Hương Sơn, địa phương đã khảo sát, nắm nắt tình hình và yêu cầu UBND xã Hương Sơn rà soát, thống kê lại những diện tích đất của các hộ dân bị ảnh hưởng phát sinh sau ngày tích nước để có phương án đền bù bổ sung. “UBND huyện cũng đã gửi tờ trình yêu cầu Ban Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5, Ban Đầu tư và Xây dựng Nông nghiệp và PTNT cùng huyện khảo sát những điểm bị ngập, cô lập để có phương án bố trí vốn xây dựng cầu hoặc ngầm tràn dẫn vào khu sản xuất cho các hộ dân”, ông Phụng khẳng định. Ông Phụng cho biết thêm, năm 2015, do ảnh hưởng từ hồ Tả Trạch, UBND huyện Nam Đông đã cùng các cơ quan chức năng khảo sát xây dựng ngầm tràn qua thôn Phú Mậu (xã Hương Phú) để dẫn vào khu dân cư, sản xuất cho bà con tại đây.
Hà Nguyên