ClockThứ Bảy, 10/06/2017 05:46

Hướng đến nông sản an toàn

TTH - Trước yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe, các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đã tham gia xây dựng các mô hình nông sản hữu cơ an toàn.

Mô hình trồng rau sạch ở Kim Long

Được sự hỗ trợ của các cấp HND và chính quyền địa phương, Tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ phường Kim Long (TP. Huế) thành lập năm 2015 với 8 hộ nông dân tham gia. Nhiệm vụ của tổ hợp tác là triển khai mô hình sản xuất rau hữu cơ an toàn trên diện tích 6 sào (3.000m2), trồng các loại rau màu, tuân thủ các điều kiện, quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Trần Thị Thủy, người tham gia trồng rau hữu cơ ở phường Kim Long chia sẻ: “Vùng đất được chọn trồng rau an toàn cách xa nghĩa trang, mồ mả. Nguồn nước tưới được cơ quan chức năng kiểm định vệ sinh, đảm bảo không bị ô nhiễm. Quá trình sản xuất không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép lưu hành; sử dụng 100% phân chuồng, hữu cơ để bón cho cây trồng”. Tạo nguồn sản phẩm an toàn, 6 sào rau sạch nói trên bình quân mỗi ngày cung ứng cho thị trường 30-40kg, chủ yếu trên địa bàn TP. Huế với giá từ 25 ngàn đến 30 ngàn đồng/kg. Từ những thành công bước đầu, Tổ hợp tác sản xuất rau hữu cơ phường Hương Long đang khảo sát, chọn những vùng đất thích hợp để mở rộng diện tích rau an toàn.

Mô hình trồng rau muống an toàn được HND thị trấn Phong Điền triển khai từ năm 2016 trên diện tích 3 sào với 10 hộ tham gia. Một người trồng rau muống an toàn, Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết, quy trình trồng và chăm sóc rau muống hữu cơ không khác mấy so với mô hình truyền thống. Điều khác biệt, trong quá trình sản xuất tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Dù điều kiện chăm sóc khắt khe nhưng năng suất, sản lượng vẫn đảm bảo, cho thu nhập khá. Mỗi ngày, bình quân mỗi hộ đều thu nhập từ 150 ngàn đến 200 ngàn đồng.

Chủ tịch HND tỉnh Phạm Thị Minh Huệ thông tin, sắp đến HND các cấp phối hợp với các cấp, ngành liên quan tiếp tục tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn cho cán bộ, hội viên nông dân nhằm nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến nông sản sạch. Phấn đấu đến năm 2020, HND tỉnh hỗ trợ nông dân, liên kết với các doanh nghiệp thiết lập các mô hình theo chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Ngoài mô hình trồng rau hữu cơ, HND các cấp còn tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn tỉnh, từng bước chuyển sang chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm an toàn. Trong chăn nuôi tuyệt đối không sử dụng chất cấm, kháng sinh, hóa chất độc hại. Nhiều mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nem, chả, bún tươi an toàn được người dân triển khai ứng dụng có hiệu quả...

Chủ tịch HND tỉnh Phạm Thị Minh Huệ cho rằng, sản xuất nguồn nông sản an toàn là định hướng của các cấp HND trên địa bàn tỉnh trước yêu cầu mới. Trước hết là công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn kỹ thuật sản xuất phải đến với cán bộ cơ sở, bà con nông dân. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, HND tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn sản xuất nông sản an toàn cho gần 800 cán bộ, hội viên nông dân. Một số mô hình mới được HND hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và giống cho nông dân, như bưởi ruột hồng, ổi nữ hoàng...

Gần đây, các công ty, tập đoàn đã liên kết với nông dân sản xuất nông sản hữu cơ, như gạo hữu cơ, mô hình “mẫu lúa liên kết” mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Các mô hình không chỉ tạo ra nguồn hàng hóa lớn mà còn đảm bảo chất lượng, giá các loại sản phẩm sạch cao gấp rưỡi, gấp đôi so với nông sản truyền thống. Để có những mô hình tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, HND các cấp đã triển khai cho nông dân ký cam kết thực hiện sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn.

Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh thông tin, qua kiểm tra, lấy mẫu kiểm định, cho thấy các mô hình trồng rau hữu cơ, chăn nuôi do các cấp HND trên địa bàn tỉnh triển khai đều đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cấp HND cần tuyên truyền, vận động và khuyến khích nông dân tiếp tục mở rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhằm cung ứng nguồn nông sản an toàn cho thị trường.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường

Theo kế hoạch, năm 2026 trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền (cát nhân tạo) thay thế cát tự nhiên. Dù có nhiều giải pháp được triển khai, nhưng đến nay việc sử dụng cát nhân tạo vẫn chưa đạt kế hoạch.

Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường
Khai thác thị trường du lịch y tế

Nhu cầu du khách nước ngoài đến Việt Nam để kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh rất cao. Với thương hiệu y tế của cả đông - tây y và đặc điểm yên bình của Huế, du lịch Cố đô có thể đầu tư khai thác thị trường tiềm năng này.

Khai thác thị trường du lịch y tế
Return to top