Chuẩn bị đất cho vụ đông xuân
Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh uỷ về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, thị xã Hương Thủy đã ổn định và phát triển ngành nông nghiệp bằng các chương trình hành động cụ thể, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, quan trọng là định hình được cây và con chủ lực để có kế hoạch đầu tư để phát triển bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Trong ngành trồng trọt, diện tích trồng lúa của thị xã Hương Thủy ổn định với 3.200 ha và cho năng suất cao trong tốp đầu của tỉnh; trong đó, có khoảng 850 ha tập trung sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Với hơn 35.180 ha đất tự nhiên của vùng gò đồi, thu nhập của người dân ở các xã Dương Hòa, Thủy Bằng ngày càng được cải thiện với hiệu quả kinh tế từ các loại cây đặc sản, như: thanh trà, tiêu và chè. Riêng cây thanh trà, thị xã đã quy hoạch lại với diện tích 100 ha để cải tạo vườn cây theo hướng nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh tế. Vùng gò đồi rộng lớn cũng là thế mạnh để thị xã Hương Thủy phát triển mạnh ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Đến nay, thị xã có tổng đàn gia súc, gia cầm, gồm: trâu: 1.332 con, bò: 2.806 con (tăng 37%), lợn: 21.136 con (giảm 11.6%), gia cầm: 346.000 con (tăng 21%), diện tích nuôi cá đạt 602.9 ha, bằng với cùng kỳ năm trước. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Hương Thủy đang khai thác thế mạnh của hơn 12.433 ha rừng trồng; đồng thời tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp bền vững, đa dạng hóa các loài cây lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất lâm nghiệp.
Tháng 4/2016, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, thị xã Hương Thủy cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị cao và thân thiện với môi trường; đồng thời, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có lợi thế.
Với những cây và con chủ lực của địa phương đã được định hình, trước mắt, thị xã Hương Thủy sẽ tập trung cải thiện từng bước chất lượng của từng loại sản phẩm. Với cây lúa, tăng diện tích sản xất lúa chất lượng cao từ 850ha lên 1.200 ha. Với cây thanh trà, thị xã tiếp tục mở rộng trồng mới một số diện tích ở xã Dương Hòa, các bãi bồi ven dòng Tả Trạch, đồng thời tạo điều kiện để người dân xã Thủy Bằng phục tráng lại diện tích thanh trà đã có. Cây chè Thủy Bằng cũng sẽ được ưu tiên đầu tư để bà con củng cố diện tích đã trồng và khẳng định thương hiệu “Chè Tuần”. Hiện nay thị xã có hơn 12.400 ha rừng trồng, chủ yếu là keo các loại. Thời gian tới, diện tích này cũng sẽ được quy hoạch lại để tập trung cho “vùng cây gỗ lớn”, hạn chế bớt diện tích trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả. Với ngành chăn nuôi, Hương Thủy định hướng phát triển theo hướng tập trung trang trại và dần cải tạo chất lượng các loại tổng đàn.
Về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, theo ông Nguyễn Đắc Tập, đây chưa phải là mối lo hiện nay, do nông sản của địa phương vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tại chỗ và các vùng lân cận. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững cho ngành, một mặt thị xã tiếp tục củng cố các mối liên kết hiện có; mặt khác, tích cực kết nối thêm với nhiều doanh nghiệp khác. “Nhà nước chỉ hỗ trợ định hướng tái cơ cấu ngành bằng các cơ chế, chính sách, còn mọi nguồn lực đều là xã hội hóa. Vì vậy, liên kết được với các doanh nghiệp có năng lực cũng giải pháp hay để tăng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp”, ông Nguyễn Đắc Tập nói.
ĐỒNG VĂN