ClockThứ Ba, 21/05/2019 14:29

Hương Thủy, Hương Trà, TP. Huế xử lý, ngăn dịch tả lợn châu Phi lây lan

TTH.VN - Tính đến ngày 21/5, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ở địa bàn TX Hương Trà, TP. Huế và TX Hương Thủy. Công tác tiêu độc khử trùng đối với tất cả đàn lợn trên ở khu vực có dịch đang được triển khai rốt ráo nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Dịch tả lợn châu Phi: Không đợi đến khi có dịch mới phòng, chốngKhông chủ quan với dịch tả lợn châu PhiXuất hiện thêm 2 ổ dịch tả lợn châu Phi ở Hương Trà

Ngày 21/5, ông Nguyễn Đắc Tập – Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy thông tin, trong 2 ngày 18 và 19/5, hộ bà Dương Thị Thưởng (77 đường Nguyễn Khoa Văn, tổ 6, phường Phú Bài) có 2 trong số đàn lợn 8 con chết không rõ nguyên nhân.

Sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng thị xã đã đến lấy mẫu máu gửi xét nghiệm, đồng thời hướng dẫn hộ bà Thưởng tiêu hủy 2 con heo chết bằng cách chôn lấp và rắc vôi, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh. Đến tối 20/5, kết quả mẫu xét nghiệm cho thấy dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Heo tiêu hủy chuẩn bị chôn lấp và rắc vôi bột ở khu vực xảy ra dịch thuộc địa bàn TX. Hương Thủy

Lực lượng chức năng thị xã đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy 6 con heo còn lại của hộ bà Thưởng và triển khai các biện pháp dập dịch, khoanh vùng, tăng cường tiêu độc khử trùng các vùng lân cận nhằm hạn chế lây lan. “Thị xã đã tiến hành họp khẩn với các địa phương trên địa bàn để có phương án ngăn ngừa lây lan, đồng thời, chỉ đạo UBND phường Phú Bài bố trí địa điểm chôn lấp phù hợp và hướng dẫn hộ bà Thưởng kê khai để hỗ trợ”, ông Tập cho biết.

Hiện trên địa bàn TX. Hương Thủy, các xã, phường có trang trại, điểm nuôi heo quy mô, gồm: Thủy Phương (3 điểm, mỗi điểm 300- 500 con), Thủy Dương (4 điểm, mỗi điểm 200-300 con), Thủy Phù (nuôi nhỏ lẻ nhưng mật độ dày, khoảng 1.000 con) và Phú Bài (1 điểm, từ 150-170 con).

* Cùng ngày, UBND thị xã Hương Trà tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch TLCP với sự tham gia của lãnh đạo UBND các xã, phường và thú y Theo thống kê, tính đến chiều 20/5, Hương Trà có 13 hộ ở 5 xã, phường (Hương Chữ, Hương Văn, Hương Phong, Hương An và Hương Vinh) có lợn dương tính với dịch TLCP; số lợn đã tiêu hủy là 66 con (gồm 15 lợn nái và 51 lợn thịt). Do việc chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu trong các hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, mật độ dày nên nguy cơ dịch lây lan là rất cao.

Tại hội nghị, đại diện các xã, phường đã nêu những khó khăn trong công tác phòng chống dịch và đề xuất hỗ trợ vôi bột cho các hộ chăn nuôi để phòng dịch lây lan.

Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà - Nguyễn Xuân Ty cho rằng hiện đang là thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” của công tác phòng chống dịch; trong khi 3 địa phương Hương Văn, Hương Vinh, Hương Phong chưa phát sinh ổ dịch mới thì 2 phường Hương Chữ và Hương An tiếp tục phát hiện dịch. Do đó, ngoài việc thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý, chôn lấp, vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực ổ dịch và vùng lân cận, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cũng yêu cầu các địa phương có phương án dự phòng chống dịch: chuẩn bị các vị trí chôn lấp, lực lượng, thiết bị, phương tiện vận chuyển tránh bị động khi thực hiện.

Chuẩn bị hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực ổ dịch tại Hương An

Ngoài ra, thị xã cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí phòng chống dịch ngoài kinh phí của địa phương chủ động. Các xã, phường có dịch khẩn trương kiểm tra cam kết của các hộ nuôi; địa phương có nguy cơ phải rà soát lại tổng đàn lợn; không để xảy ra tình trạng “biến lợn lành thành lợn chết” để chờ hỗ trợ trong thời điểm giá lợn có thể xuống thấp do tiêu thụ hạn chế.

* Tại TP. Huế, sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại hộ bà Nguyễn Thị Huệ, tổ 10, phường An Tây với 7 con lợn chết và tiêu hủy với tổng trọng lượng 290kg, UBND TP. Huế đã chỉ đạo các địa phương triển khai công tác tiêu độc khử trùng đối với tất cả đàn lợn trên địa bàn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo thống kê, hiện toàn TP có trên 3.000 con lợn được chăn nuôi theo mô hình trang trại và hộ gia đình, riêng phường An Tây có 79 hộ chăn nuôi với trên 1.000 con. Để khống chế ổ dịch và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ ngày 19/5 đến nay, các địa phương đã huy động nhân lực triển khai phun hóa chất, rải vôi tại các hộ chăn nuôi, đồng thời cung cấp vật tư và hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện phun thuốc, rải vôi chuồng trại 2 lần/tuần.

Tiến hành tiêu hủy đàn lợn mắc dịch xuất hiện ở phường An Tây

Trưởng bộ phận thú y phường An Tây, ông Phan Hòa cho biết, hộ bà Nguyễn Thị Huệ nằm ở khu vực Chín Hầm, xung quanh ít nhà dân nên công tác khoanh vùng dập dịch khá thuận lợi. Tuy nhiên, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan cho các hộ dân trên địa bàn phường, những ngày này cán bộ thú y tích cực đến các nhà dân thực hiện công tác phun hóa chất, rải vôi và hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại cho đàn lợn trong gia đình.

Theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế - Đồng Sỹ Toàn, sau khi hộ bà Nguyễn Thị Huệ xuất hiện ổ dịch, phòng đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh thực hiện các công đoạn khử trùng và tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy trình, đồng thời trích ngân sách TP hỗ trợ thiệt hại cho gia đình với mức hỗ trợ là 38.000đ/kg. Hiện TP đang tập trung tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc “năm không”, đồng thời chỉ đạo 27 phường trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, tiêu độc khử trùng tại các hộ nuôi.

Tin, ảnh: Thanh Hương - Võ Nhân - Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TP. Huế triển khai rà soát hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025

Nội dung trên vừa được UBND TP. Huế triển khai nhằm rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố (viết tắt là rà soát hộ nghèo).

TP Huế triển khai rà soát hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025

TIN MỚI

Return to top