|
Nhiều diện tích lúa bị đổ ngã sau trận giông lốc chiều tối ngày 2/5 |
Vào chiều tối 2/5 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa giông. Riêng huyện Phú Vang và thị xã Hương Thuỷ có mưa giông kèm gió mạnh. Lượng mưa đo được tại các trạm phổ biến từ 20-40mm có nơi cao hơn như hồ Hòa Mỹ (Phong Điền) 83,4mm, Rào Trăng 3 (Phong Điền) 60,6mm. Chiều 3/5, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trận giông lốc diễn ra chiều tối 2/5 đã làm hơn 500 ha lúa trên địa bàn tỉnh bị ngã đổ, một số diện tích bị thiệt hại năng.
Tại thị xã Hương Thuỷ tổng diện tích lúa bị đổ ngã 343,5 ha (trong đó, đổ ngã 100% là 222 ha, đỗ ngã từ 30-70% là 121,5 ha); TP. Huế 100 ha đổ ngã, đến thời đã thu hoạch được 3.100 ha, chiếm 85% diện tích gieo cấy; Phú Vang gần 80 ha đổ ngã, chiếm 8,2% diện tích chưa thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở các HTX nông nghiệp Phú Lương, Phú Đa.
Ngay sau cơn lốc đi qua, các địa phương đã chỉ đạo các ngành, UBND các phường, xã huy động lực lượng dân quân, các ban ngành hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, chỉ đạo các HTX nông nghiệp trên địa bàn tranh thủ thời tiết thuận lợi tiếp tục thu hoạch các diện tích lúa còn lại.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để thu hoạch nhanh, gọn vụ đông xuân, giảm căng thẳng cho sản xuất hè thu, các địa phương cần huy động tối đa máy gặt, máy cuộn rơm, máy làm đất; thực hiện đồng bộ các giải pháp vệ sinh đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học, cày lật đất ngay sau khi thu hoạch để diệt mầm mống sinh vật gây hại, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ hè thu.
Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh cho biết, trong 10 ngày tới nắng nóng chỉ xảy ra cục bộ một vài ngày nhưng không gay gắt như đợt vừa qua, nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C, có ngày trên 37 độ C. Buổi chiều và chiều tối mưa giông xuất hiện nhiều hơn hơn. Trong cơn giông cần đề phòng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm quy mô nhỏ như lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ và gió giật mạnh.