Khu vực chuồng trại được tiêu độc khử trùng
Vứt xác lợn chết dọc đường
Một trong những khó khăn, theo ông Tuyến là tình trạng phương tiện chở lợn đi qua địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm. Nếu xe vận chuyển lợn đi từ vùng dịch tới, Trung tâm DVNN hiện không có chức năng lập chốt kiểm dịch tạm thời, yêu cầu dừng xe kiểm tra phương tiện nên không thể xử lý các vi phạm liên quan. Việc phối hợp các cơ quan trong phòng dịch đang gặp nhiều khó khăn.
Qua kiểm tra công tác phòng dịch cùng Sở NN&PTNT tại các địa phương Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, TP. Huế, một thực trạng khiến ngành chăn nuôi lo lắng là nguồn thuốc sát trùng dự phòng tại các huyện hầu như đã sử dụng hết. Nếu không sớm cấp phát sẽ gây khó khăn trong việc chủ động ngăn chặn bệnh xâm nhập.
Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy bày tỏ: Hương Thủy là địa bàn có các tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua như: đường tránh Huế, QL 1A, QL 49 nối Hương Thủy với vùng ven biển đầm phá. Một số thời điểm, nhất là đêm tối, vẫn xuất hiện tình trạng xe vận chuyển lợn đi qua địa bàn thị xã vứt xác lợn chết dọc tuyến đường tránh Huế. Tình trạng vứt xác lợn chết cũng xảy ra tại đoạn đường tránh Huế thuộc địa phận TX. Hương Trà nhưng khó kiểm soát, xử lý.
Tiêu độc khử trùng phương tiện tại các chốt kiểm dịch
Một khó khăn khác, theo ông Sơn, hiện, một số xã vùng trũng trên địa bàn thị xã không tìm ra vị trí phù hợp để chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh nếu phát sinh dịch; nếu có dịch phải vận chuyển lên các xã vùng cao. Việc này tiềm ẩn nguy cơ lây lan nên đề xuất Sở NN&PTNT làm việc với các ban quản lý rừng, lâm trường cho phép địa phương chôn lấp, tiêu hủy lợn trong khu vực lâm trường và cam kết không để ảnh hưởng đến rừng trồng.
Một số lò mổ chưa đảm bảo
Trước thực tế chức năng nhiệm vụ của Trạm Chăn nuôi và Thú y (nay nhập vào Trung tâm DVNN) có sự thay đổi, để ứng phó trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang lan nhanh ở một số tỉnh, một số địa phương trong tỉnh chính thức thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: lực lượng thú y, phòng NN&PTNT, Cảnh sát Môi trường, Công an giao thông để tăng cường khả năng xử phạt. Ngoài các chốt của tỉnh, đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập sẽ cắm chốt, túc trực tại một số vị trí nghi xe vận chuyển lợn tránh trạm, kiểm tra các lò mổ, điểm kinh doanh thịt lợn và yêu cầu xử phạt nếu cá nhân, đơn vị cố ý vi phạm.
Bà Lê Thanh An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin: Chi cục đã tiếp nhận 7 tấn hóa chất và sẽ tiến hành phân bổ về các huyện để tăng cường công tác tiêu độc khử trùng. Sở cũng đề xuất tỉnh cấp thêm 1,7 tỷ đồng mua hóa chất tăng cường công tác tiêu độc khử trùng.
Hỗ trợ người chăn nuôi khi có lợn bị tiêu hủy
Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết về công tác phòng chống DTLCP trong đó có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Cụ thể, đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch xảy ra. Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5-2 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh.
|
Theo bà An, quá trình Chi cục kiểm tra tại một số lò mổ, khâu vệ sinh trước và sau giết mổ chưa thật sự đảm bảo, cần được chấn chỉnh. Lực lượng thú y phải túc trực tại các lò mổ, kiểm tra lâm sàng tất cả lợn đưa vào lò mổ; tiêu độc khử trùng trong quá trình giết mổ. ..
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cảnh báo: DTLCP lây lan rất nhanh, gây thiệt hại rất lớn nếu để dịch xâm nhập vào địa bàn. Thay vì chờ đợi các nguồn hóa chất được cấp, các huyện cần trích thêm kinh phí mua vôi rải dọc các tuyến đường có nguy cơ cao, các trang trại, hộ chăn nuôi để tăng khả năng khử trùng. Các xã đều phải xây dựng được một đến vài điểm phục vụ công tác tiêu hủy (nếu có dịch), ưu tiên phương án chôn lấp tại chỗ (hạn chế di chuyển tránh lây lan).
Một điểm chung của hầu hết các ổ dịch DTLCP là bệnh chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Việc cần làm trước mắt sau tiêu độc khử trùng môi trường là tuyên truyền người dân về mức độ nguy hiểm của DTLCP, ký cam kết thực hiện “5 không” với các hộ chăn nuôi, hộ giết mổ và chủ các phương tiện vận chuyển lợn. Trong biên bản cam kết ghi rõ số điện thoại của lãnh đạo xã, huyện và Trung tâm DVNN để khi người dân phát hiện dấu hiệu bệnh có thể liên lạc, báo ngay với cơ quan chức năng liên quan kịp thời xử lý.
Bài, ảnh: HOÀNG LOAN