Người dân Tứ Hạ sửa chữa lồng bè
Thiệt hại tiền tỷ
Ông Hoàng Kim Tiến ở phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) vẫn còn bàng hoàng khi gần 20 lồng với khoảng 20 tấn cá diêu hồng bị chết sạch trong đợt lũ vừa qua, ước thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Ngay sau lũ, ông Tiến huy động cả gia đình, thuê thêm nhân công sửa chữa, gia cố lại lồng bè, xử lý môi trường... chuẩn bị cho vụ nuôi mới.
Tại Quảng Phú (Quảng Điền), người dân cũng đang khẩn trương sửa chữa, vệ sinh lồng bè sau lũ, chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Điều người dân lo lắng là vấn đề ô nhiễm môi trường nuôi sau lũ. Hiện, người dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để đồng loạt xử lý vôi, tẩy rửa, vệ sinh lồng bè. Những lồng bị hư hỏng, xiêu vẹo được gia cố, sửa chữa lại việc tái sản xuất.
Với quy mô nuôi lớn, xã Quảng Phú bị thiệt hại khá nặng, hộ thiệt hại ít cũng vài trăm triệu đồng. Hầu hết các hộ bị thiệt hại đều nợ ngân hàng từ vài trăm triệu đến 2 tỷ đồng.
Ông Thái Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, đợt lũ vừa qua toàn xã có hơn 250 lồng bè nuôi cá diêu hồng, rô phi của 187 hộ bị chết với số lượng khoảng 300 tấn, ước thiệt hại 15-17 tỷ đồng.
Người dân Quảng Phú gia cố lại lồng bè
Đề nghị được khoanh, giãn nợ và cho vay vốn ưu đãi
Theo người dân nuôi trồng thủy sản, cái khó nhất để tái sản xuất sau lũ là thiếu vốn do thiệt hại cá chết quá lớn, trong khi phần lớn kinh phí nuôi cá từ nguồn vay mượn. “Nếu không xảy ra lũ gây chết cá thì sau vụ nuôi vừa rồi gia đình tui đã trả xong nợ. Bây giờ không biết vay mượn đâu ra cả tỷ đồng để sản xuất”, ông Hoàng Kim Tiến ở phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) nan giải.
Ông Tiến cho rằng, để phục hồi lại cá nuôi sau lũ, người nuôi cá chỉ còn mong chờ vào chính sách được khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay vốn lãi suất ưu đãi để có điều kiện tái đầu tư nuôi vụ mới. Người dân cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần về giống, thức ăn nhằm bớt phần khó khăn, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho người nuôi.
Ông Thái Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú kiến nghị, những hộ dân có thủy sản chết do lũ đang vay nợ ngân hàng số vốn lớn cần được tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ đồng thời tiếp tục cho vay vốn lãi suất thấp để để có điều kiện đầu tư khôi phục sản xuất. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giống, thức ăn, mở rộng đối tượng được hỗ trợ. Trước đây, Nhà nước thường hỗ trợ cho hộ nghèo khôi phục sản xuất, nhưng nay vì thiệt hại quá lớn nên cần mở rộng thêm các đối tượng hộ cận nghèo, hoặc không nghèo.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, đến nay cơ bản đã thống kê đầy đủ số lượng lồng bè, sản lượng thủy sản và tổng kinh phí bị thiệt hại do các đợt lũ gây ra. Sở phối hợp với các ban ngành liên quan đang hoạch định chính sách, mức hỗ trợ và sẽ kiến nghị, đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Thống kê từ Sở NN&PTNT, các đợt lũ vừa qua khiến 728 lồng cá trên địa bàn tỉnh bị chết và trôi, 112,58 ha ao hồ bị sạt lở, ngập; sản lượng cá chết, lũ cuốn trôi khoảng 751,15 tấn cá nước ngọt, ước thiệt hại 30,05 tỷ đồng. Đối với thủy sản nước lợ, diện tích ương nuôi cá dìa và nuôi xen ghép trái vụ bị ngập trên 2.000 ha. Trong đó, diện tích cao triều thả ương nuôi và nuôi xen ghép trái vụ ảnh hưởng lớn khoảng 330 ha, số lượng cá dìa bị trôi khoảng 1,2 triệu con, sản lượng tôm, cua, cá thiệt hại khoảng 99 tấn, ước hơn 17 tỷ đồng.
|
Bài, ảnh: Hoàng Triều