ClockThứ Năm, 01/12/2016 13:50

Không cam chịu nghèo

TTH - Ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) ngày càng có nhiều nông dân vượt qua khó khăn, nỗ lực cố gắng vươn lên làm giàu trên trang trại vùng cát...

Nuôi cá kết hợp với chăn nuôi vịt đàn, trồng rừng của gia đình ông Phan Văn Hứa

Năm 2006, từ đội 10, thôn Sơn Tùng, xã Quảng Vinh, ông Nguyễn Thuận cùng vợ con dắt nhau lên vùng cát của xã để lập trang trại. “Với vùng cát trắng như ri chỉ có đầu tư chăn nuôi và trồng rừng là có triển vọng hơn cả”, ông Thuận mở đầu câu chuyện.

Được chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã tạo điều kiện, gia đình ông Thuận đầu tư chăn nuôi lợn và trồng nấm sò, nấm rơm. “Lúc đó chỉ 5 – 7 con lợn nái, vài ngàn bịch nấm, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh nghiệm chưa có nhiều, nên tui lo lắm. Nhưng đã lên vùng đất này rồi, muốn “an cư lạc nghiệp” phải cố thôi. Tui đầu tư nuôi thêm gà, đào ao thả cá”, ông Thuận chia sẻ. Giờ gia đình ông Thuận là một trong những hộ nông dân làm ăn kinh tế khá nhất ở vùng trang trại rú cát Quảng Vinh, với hơn 20.000 con gà, vịt, ngan; 400 con lợn thịt, 10 con lợn nái, thu nhập mỗi năm từ 2 đến 3 tỷ đồng.

Năm 2001, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông Phan Văn Hứa, từ thôn Thạch Bình, thị trấn Sịa lên vùng đất mới Quảng Vinh làm kinh tế. Với 5 ha đất vùng cát, ông Hứa cùng gia đình tích cực trồng rừng, xây chuồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm và đào ao thả cá. Nhiều ý tưởng táo bạo được ông ứng dụng vào. Tuy có lúc thăng, lúc trầm nhưng ông là người đi đầu trong đầu tư chăn nuôi đà điểu, xây dựng được vườn thuốc nam. “Ngoài trồng 4 ha rừng keo, thì chỉ có chăn nuôi mới mong làm ăn phát triển. Từ chăn nuôi đàn lợn vài chục đến trăm con; đàn gà hơn 4.000 con; rồi cá và các khoản khác, doanh thu mỗi năm cũng lên đến 1, 2 – 1,5 tỷ đồng. Nếu được vay thêm vốn, tui đầu tư, mở rộng thêm để sản xuất kinh doanh”, ông Hứa cho biết.

Tuy vợ chồng ông, bà Hồ Sinh - Văn Thị Huệ mới đầu tư làm ăn kinh tế, nhưng cũng là một trong những hội viên hội nông dân đi đầu “dám nghĩ, dám làm” ở Quảng Vinh. Vợ chồng ông, bà bàn nhau vay 800 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền đầu tư xây dựng 2 dãy nhà nuôi lợn nái và lợn thịt, đầu tư con giống, thức ăn cùng với những công trình phụ trợ khác, kinh phí lên đến gần 1 tỷ đồng”. Hiện trong chuồng có 20 con lợn nái, 55 con lợn con, 120 lợn thịt, 2.000 con vịt, 1 cặp bò, 3 ha rừng keo lai cũng đủ lấy thu bù chi, trang trải cuộc sống và nuôi mấy đứa nhỏ đi học. Mới 4 năm đầu tư làm ăn, cái được lớn nhất là xây dựng được cơ sở hạ tầng, cùng với một chút ít kinh nghiệm trong chăn nuôi, rứa là mơ ước lớn rồi còn chi”, bà Văn Thị Huệ trải lòng.

Với mục đích hỗ trợ hội viên xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, Hội Nông dân xã đã phát động phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tới 100% cán bộ, hội viên. Hàng năm, hội tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào dưới nhiều hình thức như: Khảo sát, phân loại hộ nghèo; phân công hội viên có điều kiện kinh tế khá giúp đỡ hội viên nghèo với các hình thức như giúp cây, con giống, giúp vốn, giúp về kinh nghiệm sản xuất... Hội vận động hội viên và gia đình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ KHKT mới, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Để tạo nguồn vốn cho hội viên mở rộng sản xuất, Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 441 hộ hội viên vay 9,6 tỷ đồng để phát triển kinh tế.

Ông Hồ Văn Thiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Vinh phấn khởi: “Hội hiện có 1.232 hội viên, sinh hoạt ở 15 chi hội. Chăn nuôi và trồng trọt là hướng phát triển chính của nhiều hội viên. Nuôi lợn rừng, trồng hoa cúc, trồng sắn dây trong bao, trồng ném, hành lá là những mô hình mới. Nhiều hộ nông dân của xã làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cuộc sống; trong đó, có 6 hộ thu nhập từ 1,5 – 2,4 tỷ đồng/năm; 110 hộ thu nhập 108 – 250 triệu đồng/năm...”.

 “Các hội viên đã đóng góp gần 5 tỷ đồng bao gồm, hiến đất, tự nguyện giải phóng các công trình, tài sản trên đất để cùng với Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, Nhân dân trong xã xây dựng chương trình nông thôn mới. Hội Nông dân xã Quảng Vinh là một trong những cấp hội vững mạnh, đi đầu trong các phong trào, nhất là tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống hội viên”, ông Phan Cảnh Ngưu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Điền đánh giá.

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo

Với cách làm linh hoạt, hiệu quả, sát với tình hình thực tế, huyện Phú Lộc đang đưa các chính sách, mô hình thiết thực đến với hộ nghèo để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo
Sức già vượt khó

Bằng tinh thần vươn lên, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và được vay vốn chính sách để sản xuất, vợ chồng ông Đặng Hòa, bà Huỳnh Thị Lợi ở thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân là một trong những tấm gương đóng góp hiệu quả, chung tay cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Sức già vượt khó
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân
Return to top