Để diệt cỏ, biện pháp phun thuốc hóa học được người trồng cao su lựa chọn
Hàng chục nghìn lít thuốc diệt cỏ được phun ra mỗi năm trên diện tích gần 9.000 ha cao su hiện có của toàn tỉnh, cùng với việc sử dụng thiếu kiểm soát của người dân, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường sống.
Sử dụng thiếu trách nhiệm
Cao su là cây công nghiệp lâu năm không khác cây “rừng”, nhưng người dân đang dùng thuốc diệt cỏ để phun như những cây nông nghiệp khác, thậm chí liều lượng gấp đôi, gấp ba. Do các vườn cao su nằm ở vùng đồi núi, khoảng cách trồng rộng, cỏ dại nhiều và lên nhanh, nên việc phun thuốc được xem là biện pháp hữu hiệu mà người dân lựa chọn, giúp tiết kiệm công lao động, có thể sử dụng nhanh chóng trên diện rộng và ở nhiều thời điểm khác nhau.
Theo kinh nghiệm của anh Văn Công Hùng, chủ nhân của hơn 12ha cây cao su ở thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ (Phong Điền), thời gian đầu mới trồng, cỏ mọc nhanh hơn cây cao su, nếu không bơm thuốc, bò đến ăn sẽ giẫm phá cây. Hơn nữa, cây cao su bị các loài cỏ cạnh tranh chất dinh dưỡng sẽ chậm lớn. Vì thế, hai năm đầu mới trồng phải bơm “liệt” (bơm toàn diện tích) với 5- 6 lít/ha thuốc diệt cỏ thương phẩm. Từ 3 năm tuổi trở lên có thể giảm mật độ, chỉ bơm trên luống.
Anh Hùng nhẩm tính, bình quân chi phí chăm sóc 1 ha cao su 15 triệu đồng/năm, trong đó chủ yếu tiền mua phân bón, thuốc diệt cỏ, công bơm, phát cỏ. Riêng phân bón hóa học bổ sung đạm, lân, kali khoảng 3-4 tạ/ha. Thời điểm này, do giá mủ giảm chỉ bằng 1/3 so với thời kỳ cao điểm (25 nghìn đồng/kg), nên bà con giảm lượng phân bón, nhưng thuốc diệt cỏ vẫn dùng đều, nhất là diện tích cao su chưa giao tán. Hỏi tên thuốc, anh Hùng nhớ đại khái chai có chữ “W” của Mỹ, nắp trắng, loại 1 lít. Ngỏ ý muốn xem mẫu chai, anh Hùng thản nhiên: “Mua và bơm xong thì vứt luôn trong rừng. Việc bơm loại thuốc độc hại này không phải ai cũng dám liều, vì chẳng khác “bán máu ăn cơm”. Hễ thấy có cỏ mọc là thuê người bơm và công bơm trả cao gấp 2 đến 3 lần công lao động bình thường”.
Qua lời kể của ông Trương Duy Quốc và nhiều người tiên phong khai canh cây cao su trên địa bàn xã Phong Mỹ, thời gian đầu mới trồng, người dân chỉ dùng dụng cụ thủ công và sức lao động để phát cỏ dại. Sau một thời gian đeo bám cực nhọc, được “mách miệng”, quảng cáo, bà con bắt đầu “tiếp cận” với thuốc diệt cỏ. Dần dần, tâm lý lấy lợi ích trước mắt và thói quen canh tác, người dân trở nên lệ thuộc thuốc diệt cỏ, bởi vừa diệt cỏ tận gốc, vừa giảm công lao động .
Mối lo thuốc diệt cỏ “diệt” môi trường sống
Chị Võ Thị Hiển, ở xã Phong Mỹ lo lắng: “Nhiều gia đình ở đây rất lo sợ lượng thuốc tồn dư sẽ ngấm xuống đất, giếng, ra suối, ảnh hưởng cuộc sống không chỉ hiện tại mà cả đời con, đời cháu. Nhất là những vườn cao su nằm san sát nhà dân, lúc phun, mùi hôi phát tán quanh vùng, nhiều nhà phải tản cư để tránh hít khí độc”.
Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho hay, với diện tích hơn 1.400ha cao su trên địa bàn xã, lượng thuốc BVTV được bà con sử dụng tuy trước mắt chưa thấy ảnh hưởng, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ có.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 8.955ha cây cao su tiểu điền, trong đó khoảng 50% diện tích đã cho khai thác mủ; nhiều nhất là huyện Nam Đông gần 3.200ha, Hương Trà 2.315ha, Phong Điền hơn 1.793ha, A Lưới 1.253ha, Phú Lộc 403ha và Hương Thủy 15ha. Một số xã phát triển trồng cây cao su nhiều như Phong Mỹ (Phong Điền) có 1.405ha và Hương Bình (Hương Trà) khoảng 1.100ha. Nhiều xã có diện tích cây cao su từ 400ha trở lên như xã Hương Phú, Thượng Long, Thượng Quảng (Nam Đông), A Roàng, Hương Nguyên (A Lưới)…
Theo ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp &PTNT, để đảm bảo cho cây cao su phát triển tốt, bình quân mỗi năm phun từ 1 đến 2 đợt thuốc diệt cỏ. Thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB) (7 năm đầu) thường phun 2 đợt/năm. Trung bình mỗi ha phun từ 4- 6 lít thuốc diệt cỏ thương phẩm. Với diện tích gần 9.000ha cây cao su hiện có, mỗi năm sẽ phun khoảng 90.000 lít thuốc diệt cỏ thương phẩm. Nếu tính theo tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV, cây cao su chiếm tỷ trọng rất cao. Lượng phân bón hóa học một năm cần cho diện tích cao su hiện có khoảng trên 3.000 tấn.
|
Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, với khả năng loại bỏ thực vật có chọn lọc, nên loại thuốc diệt cỏ có hoạt chất glyphosate được người trồng cao su trên địa bàn tỉnh chọn dùng phổ biến. Hiện trên thị trường có rất nhiều tên thương phẩm, nhưng theo khảo sát, có khoảng 10 tên thương phẩm thuốc diệt cỏ đang được người trồng cao su trên địa bàn tỉnh chọn dùng và đều nằm trong danh mục được phép sử dụng theo Thông tư 03 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Khi hỏi về dư lượng thuốc diệt cỏ tồn tại trong môi trường, đất đai, ông Cái Văn Thám lắc đầu, do chưa tiến hành điều tra nghiên cứu nên chưa xác định được. Về nguyên tắc, nếu phun đúng liều lượng, đúng quy trình, qua một thời gian cách ly, lượng thuốc sẽ được phân giải và khả năng tồn dư trong đất sẽ giảm. Tuy nhiên, chắc chắn thời gian đầu mới phun sẽ gây ô nhiễm môi trường xung quanh và lâu dài cũng ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường đại học Nông Lâm Huế, người nhiều năm nghiên cứu về cây cao su, hoàn toàn phản bác việc người dân sử dụng thuốc diệt cỏ. Dù có tính chất chọn lọc đến mấy, chắc chắn lượng tồn dư, mức độ phát tán ra môi trường là có. Một lần không sao, nhưng nhiều lần và từ năm này sang năm khác thì lượng tích lũy sẽ nhân lên, trong khi loại thuốc này phân giải rất chậm, phá hủy môi trường sống, hệ sinh thái.
Theo ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp &PTNT, để đảm bảo cho cây cao su phát triển tốt, bình quân mỗi năm phun từ 1 đến 2 đợt thuốc diệt cỏ. Thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB) (7 năm đầu) thường phun 2 đợt/năm. Trung bình mỗi ha phun từ 4- 6 lít thuốc diệt cỏ thương phẩm. Với diện tích gần 9.000ha cây cao su hiện có, mỗi năm sẽ phun khoảng 90.000 lít thuốc diệt cỏ thương phẩm. Nếu tính theo tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV, cây cao su chiếm tỷ trọng rất cao. Lượng phân bón hóa học một năm cần cho diện tích cao su hiện có khoảng trên 3.000 tấn.
HOÀI THƯƠNG
Kỳ 2: Đừng để “mất bò mới làm chuồng”