Kiểm tra các dấu hiệu bệnh khảm lá sắn
Nhiều diện tích nhiễm bệnh
Số liệu thống kê từ ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, trong tổng số 4.000 ha sắn đã đưa vào trồng, có 1.236 ha nhiễm khảm lá sắn, trong đó 457 ha nhiễm mức độ trung bình và 743,5 ha mất trắng.
Ngoài 2 địa phương xuất hiện nhiều là huyện Phong Điền, TX. Hương Trà như thông tin trước đó, trong tuần này, nhiều diện tích trồng sắn của huyện Quảng Điền cũng đã xuất hiện bệnh như HTX Thống Nhất 11 ha, Nam Vinh 18,2 ha, Bắc Vinh 21,3 ha, Đông Phú 4,5 ha, Mai Phước 1 ha, Đông Vinh 33 ha, Số 1 Sịa 2,5 ha, Phú Hòa 12,7 ha.
Kiểm tra tình hình tại xã Phong An và Phong Hiền, huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin đến thời điểm này, cây sắn bị bệnh khảm lá sắn tiếp tục gây hại gia tăng cả về diện tích lẫn tỷ lệ nhiễm. Trong tổng số 1.144 ha sắn đã trồng có 950 ha nhiễm tỷ lệ bệnh gây hại trên 70% gần 500 ha.
Theo tính toán, chi phí trung bình bỏ ra cho 1 ha sắn khoảng 6 triệu đồng nên trong thời gian này việc tuyên truyền vận động người dân xử lý bệnh bằng biện pháp nhổ bỏ cây sắn bị bệnh đang còn hạn chế. Hiện, diện tích đã tiêu hủy cây sắn bị bệnh khảm lá sắn khoảng 50 ha.
Tiêu hủy sắn bị bệnh
Để hạn chế đến mức thấp nhất bệnh khảm lá sắn gây ra trên diện rộng, huyện tiếp tục họp dân để tuyên truyền về tác hại của bệnh khảm lá sắn; cây bị bệnh khảm lá sắn sẽ không cho thu hoạch và chưa có thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ bệnh khảm lá sắn. Ngoài việc tổ chức tiêu hủy bệnh khảm lá sắn sẽ kết hợp với kế hoạch thực hiện ngày chủ nhật xanh để huy động thêm lực lượng xử lý tiêu hủy một cách có hiệu quả.
Tại TX. Hương Trà, cũng có 323 ha/560 ha bị nhiễm bệnh, trên diện tích sắn của HTX Tây Xuân xuất hiện bọ phấn trắng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan nhanh bệnh khảm lá sắn.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Kiểm tra tại các địa phương trên, các ý kiến đều cho rằng giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp khả thi nhất trong tình hình hiện nay. Về lâu dài, cần có phương án nghiên cứu ra các giống sắn kháng/chống chịu với virus khảm lá sắn mới có thể đối phó với loại bệnh này. Vì thế rất cần sự vào cuộc của ngành nông nghiệp, nhà khoa học nhằm đẩy lùi bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Trà cho biết, để phòng ngừa bệnh khảm lá sắn, thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã vận động người dân nhổ bỏ các cây sắn đã nhiễm bệnh, nhằm hạn chế lây lan. Ngoài ra, Hương Trà cũng đang tiến hành trồng thử nghiệm cây đậu tương để thay thế cây sắn đảm bảo sinh kế cho người dân
Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần kiểm soát nguồn giống sắn
Kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêu hủy sắn nhiễm bệnh, khuyến cáo bà con nông dân tập trung cho công tác phòng trừ. Ưu tiên điều tra, dự báo phát sinh của bệnh và sự xuất hiện của loài môi giới truyền bệnh (bọ phấn trắng). Tiến hành khoanh vùng phun thuốc xử lý theo hướng dẫn. Tiêu hủy tàn dư của cây bệnh, vệ sinh đồng ruộng để tránh sự lây lan. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp đảm bảo điều kiện kinh tế của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để hạn chế sự bùng phát của bệnh, khâu kiểm soát giống đảm bảo sạch bệnh trước khi đưa ra sản xuất cũng vô cùng quan trọng. Vì vậy, các địa phương phải thực hiện nghiêm khâu kiểm soát giống cũng như khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sử dụng các cây đã nhiễm bệnh để làm giống, gieo trồng.
Quá trình nhân giống phải lấy mẫu sàng lọc vì có thể giống đã ủ mầm bệnh khảm lá nhưng chưa biểu hiện ra bên ngoài. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về bệnh khảm lá và tác hại của bệnh, hướng dẫn nông dân nhận dạng triệu chứng bệnh hại trên đồng ruộng, chủ động nhổ bỏ tiêu hủy các cây có triệu chứng khảm vàng loang lổ trên lá, lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm, nhằm hạn chế lây lan.
Bài, ảnh: Hoàng Anh