Ngày 23/9, UBND huyện Phong Điền cho biết, đã chỉ đạo Phòng TN&MT huyện phối hợp cùng các cơ quan liên quan, kiểm tra tình trạng xả thải và lấy mẫu nước quan trắc tại khu vực đầu ra nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế (Phong An, Phong Điền).
Đoàn liên ngành lấy mẫu nước kiểm tra tại khu vực xả thải của nhà máy
Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Phòng TN&MT huyện Phong Điền, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), Đội CSĐT tội phạm về kinh tế-ma túy, Công an huyện Phong Điền và đại diện các xã Phong An, Phong Hiền, đã có buổi kiểm tra thực địa, lấy mẫu nước quan trắc tại khu vực cửa nước thải ra của nhà máy nhằm tham mưu đề xuất phương án xử lý.
Đoàn đã lấy 2 mẫu nước thải tại khu vực hồ sinh học số 2 của nhà máy và tại khu vực Bàu Sen (thôn Thượng An, xã Phong An). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn cũng ghi nhận lưu lượng nước thải tại hồ sinh học số 2 khoảng 86,4m3/ngày đêm. Nước thải sau khi qua 2 hầm biogas được đưa qua 2 hồ sinh học và chảy ra môi trường theo mương dẫn mà không qua hệ thống xử lý hóa lý mà nhà máy đã xây dựng. Tại mương dẫn có lót đáy bằng bạt, nước thải bị chặn lại bằng bao cát và không chảy về khu vực khe Mây theo đề án bảo vệ môi trường chi tiết của nhà máy đã được các cơ quan chức năng phê duyệt.
Ông Nguyễn Đình Hợp, Cán bộ Địa chính-Môi trường xã Phong Hiền cho biết, nước thải nhà máy tinh bột sắn chảy ra môi trường qua xã Phong An rồi chảy về thôn La Vần, Cao Ban, Sơn Tùng (xã Phong Hiền). Quan sát bằng mắt thường thì nước thải có màu đen, mùi hôi và có hiện tượng cá chết tại hói Bàu Nhạn thuộc thôn La Vần. Các địa phương cũng yêu cầu sau khi có kết quả quan trắc môi trường, phía Phòng TN&MT huyện cần thông báo kết quả cho địa phương để có cơ sở giải quyết kiến nghị của người dân.
Cá chết tại khu vực thôn La Vần, xã Phong Hiền
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, sau khi có kết quả kiểm tra bước đầu, đoàn liên ngành đã đề nghị Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế chấm dứt việc xả thải từ hồ sinh học số 2 ra môi trường và yêu cầu nhà máy phải xử lý nước thải tại hệ thống xử lý hóa lý trước khi thải ra môi trường.
“Đây chỉ mới là kiểm tra bước đầu, còn phải chờ kết quả quan trắc môi trường các mẫu của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh. Khi có kết quả địa phương sẽ có căn cứ để xử lý các bước tiếp theo”, ông Hùng cho biết thêm.
Trước đó, Phòng TN&MT huyện Phong Điền nhận được phản ánh của người dân về việc xả nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế ra môi trường. Nước thải chưa qua xử lý theo kênh dẫn chảy xuống khu vực Bàu Sen (xã Phong An) rồi đến các khu vực Bàu Nhạn, hói La Vần, Bàu Nậy (xã Phong Hiền). Ghi nhận của PV cho thấy, nước của con kênh chạy ngang qua thôn La Vần đen ngòm, gây nên hiện tượng cá chết, bốc mùi hôi thối nồng nặc tại khu vực này.
Người dân địa phương nghi ngờ do việc xả thải của nhà máy tinh bột sắn nằm cách đó 2km. Trước đây, tại khu vực bàu, hói tại xã Phong An, Phong Hiền cũng từng ghi nhận tình trạng ô nhiễm, nước có mùi hôi và gây chết cá. Sau khi người dân kiến nghị chính quyền địa phương, tình trạng này đã chấm dứt, nay lại tái diễn.
Năm 2013, UBND tỉnh cũng đã có quyết định xử phạt hành chính với mức 260 triệu đồng đối với Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế do vi phạm liên quan đến quản lý và gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, nhà máy này đã không thực hiện việc giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định, không xây lắp công trình xử lý môi trường (hầm chôn lấp chất thải rắn: vỏ lụa sắn lẫn đất, cát); xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải…
Khu vực Bàu Sen bị ô nhiễm- nơi đoàn kiểm tra lấy mẫu nước (clip: V.T)
Bài, ảnh: Hà Nguyên- Võ Tứ