ClockThứ Năm, 28/01/2021 08:33

Làm giàu từ trồng rừng kinh tế

TTH - Rừng trồng kinh tế không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn góp phần nâng cao độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái.

Hơn 7.700 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSCRừng trồng gỗ lớn ứng phó biến đổi khí hậuPhát triển rừng & kinh tế dưới tán rừngPhục hồi rừng bản địa

Rừng gỗ lớn sau thu hoạch có giá trị kinh tế cao, đạt 250-300 triệu đồng/ha

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Cách đây chừng 20 năm, gia đình bà Nguyễn Cữu Thị Thương ở thôn Hạ, xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) có dịp tham gia buổi sinh hoạt, nghe một doanh nghiệp (DN) giới thiệu hiệu quả trồng rừng kinh tế. Quyết định trồng rừng sản xuất với bà Thương lúc này là sáng suốt nhưng phải bắt đầu từ đâu, trong khi hai bàn tay trắng. Thấy được nguyện vọng chính đáng, chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất cho vợ chồng bà khai hoang trồng rừng; các kênh phụ nữ, WB3 cho vay vốn mua giống, vật tư, phân bón, chăm sóc.

Rừng hoang, lau sậy mọc um tùm không dễ gì canh tác, phục hóa, đào hố, phải mất cả năm ròng rã, vợ chồng bà mới trồng những cây giống đầu tiên. Khi những diện tích ban đầu sinh trưởng, xanh tốt, bà Thương tiếp tục khai hoang trồng rừng lên 6ha. Cứ thế, 8 năm ròng rã với bao mồ hôi, công sức, tiền của đầu tư khai hoang trồng rừng, đến nay gia đình bà có 38 ha rừng kinh tế.

Bà Thương bảo, bây giờ kể ra cho hết những gian khó những năm tháng đầu khai hoang trồng rừng thì không xuể. Chỉ nhớ rằng, phải gửi con nhỏ nhờ hàng xóm chăm, hai vợ chồng lặn lội, cơm đùm gạo bới vào rừng che bạt, làm lán trại ăn ở cả mấy năm trong rừng. Thiếu lương thực, sốt rét, thiếu vốn… có lúc khiến vợ chồng túng quẩn.

Sau bao mồ hôi, công sức, diện tích rừng lần lượt cho thu hoạch mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình, bình quân mỗi năm vài trăm triệu đồng. Tính cả tài sản 38 ha rừng hiện nay có giá trị đến 5 tỷ đồng. 20 năm tuy dài với bao gian khổ, nhưng giờ nhìn lại cũng như “một giấc mơ”, bà Thương nhớ lại.

Sau giải phóng, gia đình ông Nguyễn Thế Hòa từ Thủy Châu lên xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy) lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Sau nhiều năm khai hoang trồng trọt, chăn nuôi, ông Hòa nghĩ, chỉ trồng rừng mới có cơ hội vươn lên. Hồ sơ xin cấp đất trồng rừng kinh tế của gia đình ông được chính quyền địa phương chấp thuận. Từ vài ha ban đầu, đến nay, gia đình ông khai hoang, mở rộng lên 10 ha rừng kinh tế.

“Có được diện tích rừng hôm nay phải kể đến sự trợ giúp của dự án (DA) WB3. Trong lúc gia đình tui cũng như nhiều hộ thiếu vốn mở rộng diện tích đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ DA, cho vay vốn chăm sóc, tư vấn mua giống chất lượng. Các diện tích rừng có độ tuổi khác nhau, cứ mỗi năm gia đình thu hoạch 2-3 ha, mỗi ha thu nhập trên dưới 100 triệu đồng...”, ông Hòa phấn khởi.

Hướng đến rừng gỗ lớn

Chủ tịch Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh, ông Võ Văn Dự chia sẻ, thành công và bài học kinh nghiệm hôm nay về trồng rừng kinh tế của tỉnh phải kể đến DA Phát triển ngành Lâm nghiệp – WB3. Đây là DA trồng rừng kinh tế theo hộ gia đình bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2005-2015. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi, động lực cho các hộ mạnh dạn khai hoang, mở rộng diện tích rừng keo tràm. Đến cuối kỳ DA, cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12.690,49ha của 8.290 hộ tham gia DA. DA đã giải ngân cho các hộ vay trồng rừng với hơn 100 tỷ đồng.

Diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh đến nay gần 100 ngàn ha. Diện tích đang được các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng gần 26 ngàn ha, còn lại các tổ chức Nhà nước, DN quản lý, sử dụng. Thị trường tiêu thụ, đầu ra sản phẩm thuận lợi là cơ hội lớn trong phát triển trồng rừng kinh tế, rừng gỗ lớn (RGL), chứng chỉ FSC.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, gỗ rừng trồng được khai thác, tiêu thụ bình quân hằng năm khoảng trên 500 ngàn m3, chủ yếu sản lượng của hộ gia đình, cá nhân khai thác và tiêu thụ. Đơn vị tiêu thụ là các nhà máy sản xuất dăm gỗ, ván bóc, gỗ thanh, hàng mộc phục vụ chế biến xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở, nhà máy chế biến lâm sản, hằng năm sử dụng khoảng trên 1 triệu tấn nguyên liệu gỗ; tổng doanh thu hằng năm khoảng 1.344.575 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn đánh giá, dù có những thành quả tốt nhưng trồng rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất nhỏ, phân tán, tự phát vẫn còn phổ biến trong nông dân. Phương thức sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu, trình độ thâm canh thấp, năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng còn hạn chế. Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, thương mại lâm sản trong Nhân dân thiếu bền vững...

Tận dụng lợi thế, tiềm năng đất đai, cơ hội đầu ra cho sản phẩm thuận lợi, ngành lâm nghiệp đang thúc đẩy đầu tư phát triển RGL. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 10 ngàn ha RGL, có chứng chỉ FSC của các tổ chức, DN, hộ cá nhân. Phấn đấu một vài năm đến, từng bước mở rộng diện tích RGL toàn tỉnh lên 16-20 ngàn ha. Theo tính toán của các hộ dân và cơ quan chức năng, nếu khai thác rừng trồng 4 tuổi, tuy giải quyết thu nhập trước mắt nhưng làm giảm 2/3 giá trị thu nhập so với trồng RGL 7-8 năm tuổi (thu nhập 250-300 triệu đồng/ha).

Cùng với kế hoạch phát triển RGL, Hội Chủ rừng Phát triển bền vững tỉnh đang tập trung phát triển mô hình liên kết giữa các hợp tác xã (HTX) lâm nghiệp bền vững với Công ty Scansia Pacific thông qua các công ty vệ tinh Minh An và Hòa Nga trên địa bàn. Các HTX được đầu tư, hỗ trợ nâng cao năng lực chế biến sâu nhằm đảm bảo điều kiện hợp đồng liên kết trực tiếp với Công ty Scansia Pacific; đồng thời thu hút các công ty có tiềm lực khác đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến phục vụ chế biến sâu, đa dạng sản phẩm...

Dự kiến giai đoạn 2020-2025, toàn tỉnh huy động vốn đầu tư khoảng 331,310 tỷ đồng cho mục tiêu phát triển RGL, chứng chỉ FSC. Phấn đấu tăng trưởng GRDP lâm nghiệp ít nhất gấp đôi so với năm 2020, lên trên 1.000 tỷ đồng/năm; tăng tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tăng thu nhập cho lao động làm nghề rừng...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu

Hồ Văn Phúc, trú tại thôn A Đâng, xã Hồng Thái (A Lưới) và Nguyễn Hùng, trú tại thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu (Phong Điền) là hai trong nhiều gương điển hình cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

Từ một hộ nông dân vốn nhiều khó khăn, nay ông Trương Ngọc Nhật ở xã Phú Gia, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Phú Vang đã vươn lên làm giàu chính đáng trên đất quê hương.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top