ClockThứ Hai, 29/09/2014 18:25

Lo sớm trước mùa bão lũ

TTH - Mưa bão đang đến gần, vùng "rốn lũ" Quảng Điền lại lo, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, phương tiện cứu hộ cứu nạn, sửa chữa nhà cửa để chống chọi thiên tai.

Một điểm dự trữ lương thực, phương tiện cứu hộ ở Quảng Điền

Đến nay, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện Quảng Điền đã dự trữ 30 tấn gạo, 10 ngàn gói mì tôm; 1.000 lít xăng, 1.000 lít dầu diezel, 10 ngàn bao tải, 100 rọ thép; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, thuốc men, phương tiện, thông tin liên lạc... cơ bản đáp ứng khi bão lũ lớn, kéo dài. Tuy nhiên, tỉnh cần hỗ trợ thêm về phương tiện, như thuyền lớn, ca nô... để triển khai kịp thời công tác sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn.

Vụ hè thu kết thúc, cũng là lúc bà con nông dân ở vùng thấp trũng Quảng Điền chuẩn bị “đón mùa bão lũ” mới. Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc “sống chung với lũ” nhưng người dân vẫn không chủ quan. Bà con tổ chức sửa chữa, giằng chống nhà an toàn, chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự phòng lũ kéo dài... Ông Trần Dũng ở thôn An Xuân, xã Quảng An tỏ ra tất bật. Sau khi thu hoạch xong 10 sào lúa được gần 40 tạ, gia đình ông Dũng bán 35 tạ, số còn lại dự trữ. Tiền bán thóc, ông trích một phần để mua thêm mì tôm, các loại nhu yếu phẩm, mua áo phao, dây thép buộc, các vật dụng giằng chống nhà. Mấy ngày này, ngoài công việc đồng áng, gia đình ông tranh thủ sửa nhà, kê cao lương thực.

Xã Quảng An có nhiều kênh mương, hói sâu, cống, đập tràn... mỗi khi có lũ lớn, dòng nước chảy xiết. Đây còn là địa bàn cuối hạ lưu các sông nên thường ngập sâu, dài ngày... Vậy nên, việc đảm bảo an toàn tính mạng luôn được người dân quan tâm. Chủ tịch UBND xã Quảng An - ông Nguyễn Hiền cho biết, mùa lũ năm trước, địa phương có một người chết đuối do chủ quan lội lũ là điều rất đáng tiếc. Tinh thần của địa phương năm nay là bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân. Trước mùa bão lũ, cán bộ xã về với các thôn, đến tận từng cụm dân cư, hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức “tự quản tại chỗ”. Các thành viên trong gia đình, cha mẹ nhắc nhở, tuyệt đối không để người thân, con cái lội lũ, vớt củi, bủa lưới... khi nước lũ dâng cao. Trong và sau lũ, lực lượng cứu hộ cứu nạn thường xuyên tuần tra tại các khu vực xung yếu để ngăn chặn người dân lội lũ.
Một trong những địa bàn thấp trũng nữa của Quảng Điền là xã Quảng Phước. Người dân nơi đây tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương chuẩn bị công tác ứng phó bão lũ. Bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Đông Phước chia sẻ: “Mùa bão lũ hằng năm, nước trên các sông đổ về gây ngập sâu. Mấy năm gần đây, tình trạng “lũ chồng lũ” khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ngập kéo dài gây khó khăn trong sinh hoạt, đi lại và công việc làm ăn của bà con”. Kinh nghiệm từ những mùa lũ trước, năm nay gia đình bà Năm chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nước uống nhiều hơn phòng khi ngập lụt kéo dài. Gia đình bà cũng như nhiều hộ trên địa bàn xã Quảng Phước còn sửa chữa lại nhà, làm tra cao hơn, chu đáo hơn để kê cao tài sản, lương thực và trú ẩn khi nước lũ dâng cao. Trường hợp nước lũ có khả năng dâng quá tra thì bà con sẽ chuyển tài sản và sơ tán người đến các trụ sở, nhà cao tầng theo yêu cầu và quy định của chính quyền địa phương...
Chủ tịch UBND xã Quảng An - ông Nguyễn Hiền nói: “Đến thời điểm này, mỗi thôn, hợp tác xã đều có một chiếc thuyền máy tải trọng 1,5 tấn và các phương tiện ứng cứu, như phao tròn, áo phao, dây, sào chống, chèo... Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn xã còn chuẩn bị hai thuyền máy để tăng cường về các thôn, khu dân cư khi cần thiết. Các hợp tác xã, các thôn, mỗi đơn vị dự trữ 50 lít dầu diezel, riêng UBND xã luôn có 100 lít phục vụ các thuyền máy và máy nổ khi cúp điện. Bên cạnh đó, UBND xã dự trữ 2.000 gói mì tôm, một tấn gạo; mỗi thôn dự trữ thêm 100 gói mì, một tạ gạo và các loại nhu yếu phẩm. Lực lượng tại chỗ của xã từ 10-20 người và mỗi thôn từ 5-10 người sẵn sàng huy động, triển khai ứng cứu. Mỗi hợp tác xã chuẩn bị ít nhất từ 3.000 - 5.000 bao tải cát, cọc tre để gia cố đê bao...
Các xã vùng trũng khác cũng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó bão lũ, với phương châm bảo vệ an toàn tính mạng nhân dân, không để thiếu đói, sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Ông Nguyễn Quốc Hòa, cán bộ phụ trách phòng chống lụt bão thuộc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền khẳng định, với sự chuẩn bị ứng phó trên, Quảng Điền phấn đấu hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi bão lũ lớn xảy ra.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt

Sáng 1/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh có công văn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, TP. Huế; chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, ngập lụt
Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

Ngày 25/10, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do ông Ngô Văn Cương, thành viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top