ClockThứ Sáu, 28/02/2020 19:15

Lợi ích “kép” từ rừng dừa ngập mặn

TTH.VN - Từ 27-28/2, khu vực rừng ngập mặn Quảng Điền bỗng sôi động hẳn bởi lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo quản, sử dụng lá dừa nước cho đông đảo người dân và công nhân của Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan (MTĐ) Thủy Lập, xã Quảng Lợi.

Có thêm thu nhập

Tập huấn khai thác (chặt, tỉa) cành lá dừa nước

Sau lớp tập huấn (do Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các nghệ nhân ở Hội An tổ chức), người dân tiến hành thu hoạch một số cành lá dừa nước phục vụ sơ chế tại HTX MTĐ Thủy Lập. Đây là cơ hội tạo công ăn việc làm mới giúp người dân có điều kiện cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.

Ngư dân Nguyễn Tuấn ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi trải lòng, sinh sống nơi vùng đầm phá Tam Giang từ bao đời nay, người dân chỉ biết mưu sinh bằng nghề đánh bắt, khai thác thủy sản trên sông. Từ khi rừng ngập mặn xanh tốt, không chỉ bảo vệ mùa màng, đê bao thủy lợi, khu dân cư, làm nơi trú ngụ, sinh sôi cho các loài thủy sản mà còn giúp dân có thêm nghề du lịch sinh thái, cải thiện thu nhập đáng kể.

Không những thế, cây dừa nước đã đến kỳ cho khai thác cành lá cung ứng nhu cầu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tấm lợp chòi du lịch, làm nhà… còn giúp ngư dân có thêm thu nhập.

Tập huấn đan tấm lợp

Giám đốc HTX MTĐ Thủy Lập, ông Trần Lợi chia sẻ, phát huy nghề truyền thống MTĐ, từ lâu ban giám đốc HTX đã có ý tưởng sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mái lợp chòi du lịch từ sản phẩm lá dừa nước. Quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm MTĐ, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận cũng từng đặt vấn đề với HTX MTĐ Thủy Lập về việc sản xuất, chế biến các sản phẩm mỹ nghệ, quà lưu niệm từ lá dừa nước. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu tại chỗ không có nên không thể thực hiện được ý tưởng. Sau thời gian khá dài chờ đợi, cây dừa nước đến nay đã cho khai thác lá, mở ra cơ hội mới cho HTX cũng như người dân trong phát triển sản xuất.

Trước mắt, HTX MTĐ Thủy Lập thu gom lá dừa nước từ người dân khai thác (cộng đồng dân cư được giao quyền chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi) chủ yếu sơ chế phục vụ cho các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mái lợp chòi du lịch sinh thái. Sau lớp tập huấn này, HTX tiến hành nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại chỗ; đồng thời tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ sản phẩm để mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Định hướng của HTX sẽ sử dụng lá dừa làm tấm lợp, bện tường chòi du lịch, đan giỏ xách, làm mũ đội, gói bánh… Các sản phẩm được HTX hướng đến sản xuất, thay thế thói quen sử dụng bao bì ni lông nhằm bảo vệ môi trường như dây nón, quà lưu niệm, túi xách, giỏ đựng thực phẩm… có thể sử dụng nhiều lần. Được biết, mỗi mét vuông tấm lợp, tường làm chòi hiện nay có giá 80-100 ngàn đồng; riêng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, túi đựng, giỏ xách… tùy thuộc vào mẫu mã, kết cấu, kích thước… của từng loại sản phẩm sẽ có giá trị khác nhau.

Mỗi tấm lợp (như ảnh) sau khi hoàn thành có giá 80-100 ngàn đồng

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo phấn khởi, cây dừa nước mở ra cơ hội, tạo thêm công ăn việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài lực lượng khai thác, quá trình tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lá dừa nước tạo việc làm cho nhiều lao động từ các khâu chế biến, bảo quản đến sản xuất các mặt hàng. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào địa phương trong chế biến, sản xuất các sản phẩm từ cành lá dừa nước.

Giá trị sử dụng cao

Tiến sĩ Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, diên tích rừng dừa ngập mặn tại Quảng Điền hiện có khoảng 10 ha. Dự kiến trong năm nay, rừng dừa nước sẽ cho thu hoạch khoảng 100 ngàn cành. Chi cục sẽ phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, tuyên truyền, vận động người dân khai thác một cách hợp lý nhằm bảo vệ an toàn, phát triển bền vững cho rừng dừa ngập mặn.

Theo các chuyên gia đến từ Hội An, dừa nước có giá trị về nhiều mặt. Tất cả mọi bộ phận của cây dừa nước đều có giá trị sử dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế. Lá dừa trưởng thành dùng làm tấm lợp, vách ngăn nhà, thời gian sử dụng từ 5 đến 6 năm; lá còn dùng đan giỏ xách, làm mũ đội, gói bánh… Cuống lá làm phao lưới, cọc lưới, bột giấy, bảng cách điện, củi đun. 

Hiện nay đã có dây chuyền sản xuất ván sợi ép từ cuống lá dừa nước, làm vật liệu xây dựng nhà. Chồi non còn được chế biến thức ăn cho tôm hùm đất. Nội nhũ của quả dừa non có thể để ăn, bổ sung vào nguyên liệu làm kem; nội nhũ quả già làm nút áo, hoặc đồ mỹ nghệ giả ngà. Nhựa lấy từ buồng hoa, buồng quả để sản xuất rượu, giấm, nước giải khát… Mỗi năm có thể thu hoạch 6 tấn đường thùng, hoặc hàng chục ngàn lít rượu/ha với giá trị kinh tế 10-17 triệu đồng.

Trong chuyến kiểm tra rừng ngập mặn ở Quảng Điền vào ngày 27/2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan, ban ngành trong quá trình trồng, chăm sóc rừng ngập mặn. Thấy được tác dụng "đa mục tiêu", về kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành kiểm lâm, chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích, đồng thời có biện pháp bảo vệ an toàn, bền vững cho rừng ngập mặn.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top