Lãnh đạo huyện Quảng Điền kiểm tra ruộng lúa bị chết ở xã Quảng Thọ
Hầu hết lúa chết là chân ruộng cao
Ông Lê Xuân Nam ở xã Quảng Thọ gieo sạ 5 sào lúa hè thu hơn hai tuần nay. Từ khi gieo sạ cũng là lúc nắng nóng gay gắt khiến đồng ruộng khô hạn. 5 sào lúa vừa nảy mầm chết tỷ lệ trên 70%. Nguyên nhân được ông Nam lý giải, chân ruộng của ông cũng như một số xứ đồng trên địa bàn xã Quảng Thọ khá cao do bồi lấp từ đợt lũ cuối năm trước. Địa hình đồng ruộng dạng “rổ sưa” nên khi đưa nước vào tưới không thể giữ được.
Ông Nam nhẩm tính: “5 sào chi phí giống khoảng 250 ngàn đồng. Chi phí cày ải, thủy lợi đầu vụ, công gieo sạ… ước thiệt hại 1,3 triệu đồng”.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Quảng Thọ 2, ông Nguyễn Lương Trí thông tin, đến nay có 1,5 ha lúa hè thu trên địa bàn bị chết. Hầu hết diện tích này đều là chân ruộng cao, không chủ động nguồn nước, khi gặp nắng hạn kéo dài thường bị khô hạn. Trên địa bàn vẫn còn một số diện tích có nguy cơ khô hạn, lúa chết nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài.
Ruộng lúa ở Quảng An bị khô hạn
Không bỏ ruộng hoang
Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HHTXNN Đông Phú lo lắng vì 3 ha lúa trên địa bàn bị chết gần như hoàn toàn, ước thiệt hại 30 triệu đồng. HTXNN đã vận động người dân sử dụng máy bơm dầu đưa nước vào đồng ruộng để gieo cấy lại diện tích bị chết; đồng thời hướng dẫn hộ thành viên, nông dân sử dụng giống ngắn ngày, cực ngắn ngày để gieo cấy đảm bảo khung lịch thời vụ.
Vụ hè thu 2021, Quảng Điền dự kiến gieo cấy 3.980 ha lúa. Đến nay các địa phương, nông dân cơ bản hoàn thành gieo cấy. Nhìn chung phần lớn diện tích lúa đầu vụ đang phát triển tốt.
Do khi bắt đầu gieo sạ cũng là lúc nắng nóng diễn biến phức tạp, gay gắt làm 100 ha lúa chân ruộng cao bị chết, tập trung tại các HTXNN Đông Phước, HTXNN Đông Phú, HTXNN An Xuân, HTXNN Mai Phước, HTXNN Phú Hòa, HTXNN Quảng Thọ, HTXNN Quảng Thọ 2… Trong đó có khoảng 20ha có tỷ lệ lúa chết từ 50-70%, 80ha tỷ lệ chết trên 70%.
Ông Ngô Văn Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền cho biết, huyện đang hướng dẫn các địa phương, nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn, tiến hành gieo cấy lại số diện tích bị thiệt hại nặng. Sau gieo cấy, tiếp tục theo dõi, vận hành bơm nước đưa vào đồng ruộng cứu lúa, đồng thời tăng cường chăm bón lúa phát triển tốt. Các địa phương tập trung rà soát, nắm bắt cụ thể mức độ thiệt hại nhằm đề xuất cấp trên hỗ trợ cho người dân theo quy định.
Các HTX cùng với đơn vị thủy nông vận hành trạm bơm đưa nước vào đồng ruộng tưới lúa hè thu. Trong điều kiện các diện tích không chủ động nước tưới, tiếp tục khô hạn sẽ tiến hành chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày khác chịu hạn như lạc, đậu, dưa hấu, khoai lang… mục tiêu không bỏ ruộng hoang.
Bài, ảnh: Hoàng Thế