Rau của nông dân chủ yếu tiêu thụ ở các ngôi chợ nhỏ lẻ
Tư duy cũ
Hiện nay, thị trường mở cửa, luống rau, cọng ngò mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.
“Trồng rau là nghề phù hợp nhất đối với sản xuất kinh tế hộ gia đình, tận dụng hiệu quả lao động nhàn rỗi. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa”, TS. Nhà Nông học Lê Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế nói.
Thừa Thiên Huế có nền tảng ngay chính ở con người và tiềm năng đất đai, song ngọn rau của nông dân vẫn cứ “chìm, nổi”. “Được mùa mất giá, mất mùa được giá” là điệp khúc lặp đi lặp lại nhiều lần đối với các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có rau xanh. Nếu bão lũ không dồn dập, rau của nông dân sản lượng cao, nhưng chất lượng đảm bảo hay không lại là câu chuyện khác. Tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh, rau của địa phương rất ít xuất hiện trên kệ. Bởi thế, câu chuyện đầu ra cho rau của nông dân phụ thuộc lớn vào thương lái.
Thực trạng đó xuất phát từ việc sản xuất rau của nông dân phân tán, manh mún. Chất lượng chưa được theo dõi kiểm định đánh giá theo các tiêu chuẩn quy định. Thiếu cơ sở chế biến, thông tin thị trường còn thiếu và yếu, chưa hình thành được hệ thống tiêu thụ sản phẩm ổn định phục vụ sản xuất. Việc sơ chế, bảo quản rau để cung cấp cho thị trường chưa được quan tâm nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi tiêu thụ…
Vấn đề trên được các địa phương nhận diện khá tốt trong những năm qua, bằng chứng là vùng chuyên canh trồng rau an toàn xuất hiện ở nhiều nơi như, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, A Lưới…Cùng với đó là sự liên kết doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị. Dù vậy, tư duy sản xuất của nông dân lẫn trình độ của lực lượng quản lý sản xuất nông nghiệp còn hạn chế đang là rào cản. Sự khắt khe của thị trường khiến rau xanh của nông dân dù được trồng theo hướng an toàn nhưng vẫn không thể chen chân vào các hệ thống phân phối lớn.
“Nông dân trồng rau đang có tâm lý “ăn xổi” và thiếu kiến thức về kỹ thuật lẫn phương pháp trồng. Nhiều nơi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến chất lượng không đảm bảo”, bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV hữu cơ Huế Việt chia sẻ.
Thừa Thiên Huế đã có một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như, hỗ trợ dự án đầu tư cơ sở sản xuất nông nghiệp quy mô từ 500m2 trở lên; hay nếu chuyển đổi đất lúa thiếu nước, hiệu quả thấp sang trồng các cây khác phù hợp, hiệu quả hơn được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống và 30% kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình… Song, những chính sách này dù nằm trong giai đoạn 2016 – 2020 nhưng đến nay, rau xanh của hầu như nông dân vẫn chưa đảm bảo chất lượng, ít nhất là “đứng chân” ở siêu thị.
“Thói quen trồng rau rồi bán ở chợ hoặc thương lái hình thành từ lâu. Bây giờ không chỉ tôi mà nhiều người khác vẫn trồng rau theo cách cũ, không nghĩ đến việc trồng hữu cơ và càng không để ý rau có vào được siêu thị hay không”, bà Trần Thị Lan (phường Hương Chữ, TX. Hương Trà) chia sẻ.
Số hóa từng hộ nông dân
Để hình thành nên những vựa rau chất lượng, người ta đang nói nhiều đến nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, song chi phí đầu tư về hạ tầng lẫn kỹ thuật khá lớn khiến nông dân trên địa bàn tỉnh khó để tiếp cận.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, tỉnh nên quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất theo hướng hữu cơ. Bởi quy hoạch vùng có các ưu điểm như dễ dàng đồng bộ hạ tầng, tiết giảm chi phí sản xuất, thuận tiện cung ứng dịch vụ. Quy hoạch vùng sẽ thuận tiện canh tác hữu cơ, nâng cao giá trị. Nông dân hoặc doanh nghiệp nông nghiệp nên tìm hiểu về liên kết chuỗi để cân đối, tạo hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ tốt sẽ góp phần tạo ra hiệu quả.
Trong một buổi hiến kế cho tỉnh, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty Bagico, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp là rất quan trọng và cần bắt đầu từ việc số hóa từng hộ nông dân. Chỉ khi xác định: “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao” thì mới nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin, toàn tỉnh đang có hơn 120ha rau xanh được chứng nhận VietGAP, cùng với đó là nhiều diện tích rau trồng theo hướng hữu cơ và mô hình lưới nhà kính. Song, con số này không lớn so với tiềm năng của tỉnh.
“Rõ ràng khi xuất hiện các mô hình trồng rau an toàn, rau sạch thì ý thức của người dân có sự chuyển biến. Song để nhân rộng, hướng tới rau chất lượng cao cần nhiều hơn thế, khi mà thị trường đang thay đổi, hướng đến sản phẩm chất lượng nhiều hơn. Hướng sản xuất rau ở các địa phương sắp tới sẽ chú trọng nhiều hơn mô hình hữu cơ, sản xuất sạch. Thông qua các chương trình khuyến nông, chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình, đặc biệt sẽ từng bước nâng cao kiến thức cho họ”, ông Thọ nói.
Bài, ảnh: Lê Thọ - Hàn Đăng