ClockThứ Ba, 30/08/2022 14:00

Nam Đông: Chủ động ứng phó với sạt lở, lũ lụt và gió bão

TTH - Theo dự báo, mưa bão và thiên tai những tháng cuối năm 2022 sẽ diễn biến phức tạp và khó lường. Trước tình hình đó, huyện Nam Đông đã lên kế hoạch chủ động các phương án phòng, chống và ứng phó với mùa mưa lũ đang đến gần.

Nhiều hộ dân tại thôn Lập (xã Thượng Nhật) đối mặt với nguy cơ sạt lở bờ sông tiến sát vào nhà ở

Tiềm ẩn nguy cơ

Mùa mưa bão năm trước, toàn bộ các hộ dân ở thôn Lập (xã Thượng Nhật) đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông tiến sát vào nhà ở. Nguy hiểm hơn khi điểm sạt lở trên núi cũng xuất hiện các vết đứt gãy tại đỉnh.

Theo lãnh đạo xã Thượng Nhật, chỉ cần mưa lớn trên 5 ngày là toàn bộ các hộ dân sinh sống tại đây phải di dời đến nơi an toàn. Thời điểm cuối năm 2020, UBND huyện đã có tờ trình gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đề nghị cấp 120 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ di dời các hộ dân vùng xung yếu của Nam Đông, trong đó có thôn Lập (xã Thượng Nhật).

Được biết, hiện UBND tỉnh đã có chủ trương di dời và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh lập dự án trình và trình Trung ương. Tuy nhiên, phương án trước mắt vẫn là lập kế hoạch sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ.

Không riêng thôn Lập, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Nam Đông cũng đối mặt với nguy cơ sạt lở đất như: Khu dân cư thôn Đa Phú (xã Hương Phú); các hộ dân nằm ở giữa Tỉnh lộ 14B và đường cao tốc La Sơn - Túy Loan (thị trấn Khe Tre); khu dân cư tổ 1, tổ 2 của thôn 1 và tổ 2 của thôn 2 (xã Hương Lộc)...

Những tháng cuối năm 2021, tuy không xuất hiện nhiều cơn bão lớn nhưng mưa liên tục trong nhiều ngày do ảnh hưởng không khí lạnh cũng khiến một số đoạn đường bị ngập úng, nước sông dâng cao gây chia cắt các khu dân cư như: Thôn Phú Mậu, (xã Hương Phú); thôn 1, thôn 3 (xã Thượng Long); thôn 3 (ngầm khe A Răng, xã Thượng Quảng); khu dân cư Ria Hố (xã Thượng Lộ).

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, từ khi có tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan thì tình trạng chia cắt giữa huyện với khu vực đồng bằng đã không còn đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc chia cắt giữa các vùng có nguy cơ sạt lở, thấp trũng trên địa bàn vẫn đáng lo ngại do tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Hiện UBND các xã, thị trấn đã và đang tiếp tục rà soát, thống kê lập danh sách và kế hoạch sơ tán cụ thể các hộ ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng khi có thiên tai xảy ra; xác định các địa điểm an toàn để di dời đến, như trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học, trụ sở các cơ quan và các nhà kiên cố ở trong khu vực để tránh lúng túng trong khi triển khai; cương quyết thực hiện sơ tán, di dời và có thể cưỡng chế khi cấp thiết.

Tránh bị động

Với tinh thần chủ động, tập trung đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản, ngay từ thời điểm này, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nam Đông đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lớn; theo dõi tình hình thời tiết để thực hiện kịp thời thực hiện các phương án đã xây dựng và sẵn sàng sơ tán các hộ dân ở nơi không an toàn, có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Khi có mưa bão xảy ra, huyện Nam Đông sẽ yêu cầu các đơn vị thủy điện thực hiện nghiêm các quy trình, quy định trong phòng, chống lụt bão. Đồng thời, liên tục thông báo diễn biến của bão trên hệ thống truyền thanh của huyện và xã, mạng xã hội và kết hợp tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà ở, chuồng trại, đưa gia súc đang chăn thả đến nơi an toàn; chặt tỉa cành cây có nguy cơ gãy đổ và đẩy nhanh thu hoạch hoa màu. Kêu gọi người dân từ rừng trở về và hạn chế các trường hợp vào rừng trước, trong khi bão đổ bộ.

Để kịp thời ứng phó với tình huống xấu xảy ra, huyện chủ động hợp đồng với Công ty CP Thương mại Nam Đông và các đại lý trên địa bàn dự trữ 500 lít dầu hỏa; 4.000 lít xăng; 500 thùng mì tôm; 30 tấn gạo để dự phòng cung cấp kịp thời cho Nhân dân ở các vùng bị cô lập, thiếu lương thực khi có thiên tai xảy ra. Các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động Nhân dân tự dự trữ các mặt hàng thiết yếu đảm bảo tối thiểu 7 ngày (lương thực, thực phẩm, đèn pin, nhiên liệu…).

Bên cạnh đó, toàn huyện cũng đảm bảo 390 phao tròn, 340 áo phao, 2 phao bè, 30 nhà bạt, 5 thuyền cao su, 1 chiếc xuồng máy, 7 máy phát điện để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

“Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ xuyên suốt, đặc biệt tập trung vào những tháng cuối năm. Mùa mưa bão năm nay dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, tinh thần chung của toàn huyện là đề cao cảnh giác khi có dự báo và chủ động nhiều phương án phòng, chống để hạn chế thiệt hại về người và tài sản”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ cho biết.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm

Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh được Ban Giám đốc Công an tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững sự bình yên cuộc sống người dân.

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm

TIN MỚI

Return to top